Chàng thư sinh giữa chốn giang hồ

Nếu không được giới thiệu trước, lại không thấy anh vận lên mình bộ quân phục của ngành công an, hẳn tôi sẽ nghĩ rằng chàng trai người Thái có khuôn mặt hiền hiền như thi sĩ, cách nói chuyện điềm tĩnh đang ngồi trước mặt tôi là một thầy giáo cắm bản, chứ không phải là một đại úy công an thường xuyên đối mặt, truy bắt tội phạm hình sự nguy hiểm.

Chàng thư sinh giữa chốn giang hồ

Nếu không được giới thiệu trước, lại không thấy anh vận lên mình bộ quân phục của ngành công an, hẳn tôi sẽ nghĩ rằng chàng trai người Thái có khuôn mặt hiền hiền như thi sĩ, cách nói chuyện điềm tĩnh đang ngồi trước mặt tôi là một thầy giáo cắm bản, chứ không phải là một đại úy công an thường xuyên đối mặt, truy bắt tội phạm hình sự nguy hiểm.

Đại úy Vương Trung Dũng. Ảnh: Tiền Phong.

Dường như thấu hiểu được sự băn khoăn của người đối diện, đại úy Dũng vội phân trần: "Gặp đồng chí, mình mới hiền thế thôi, chứ khi đối diện với tội phạm cũng ghê gớm lắm đấy".

Ước mơ từ thủa còn thơ

Vốn là một chàng trai người Thái "chính hiệu", sinh ra giữa chốn núi thẳm, rừng sâu của xã Khẩu Lào, Huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Tuổi thơ của Dũng đi qua như nhiều bạn cùng trang lứa, cũng theo cha lên rẫy, theo mẹ lên nương.

Hỏi anh, ước mơ được vận lên mình bộ quân phục công an xuất hiện từ khi nào, anh phân trần: "Nó đã theo tôi từ khi còn là một cậu bé. Ban đầu là vì thích thú khi thấy các chú công an truy bắt tội phạm đầy ngoạn mục trên phim ảnh, sau này lớn lên ước mơ đó lại càng ăn sâu vào tâm trí tôi khi chứng kiến bạn bè sa ngã vào con đường ma túy".

Đem theo ước mơ này, khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Vương Trung Dũng nghĩ ngay đến việc đăng ký dự thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân. Tuy nhiên, con đường hiện thực hóa ước mơ của anh lại gặp một chút trắc trở khi bố mẹ dù đã bán hết sắn trên rẫy, vét hết tiền trong nhà, tính ngược, tính xuôi vẫn chưa đủ để anh dắt lưng lên Hà Nội ứng thí. Dũng buồn lắm, nhưng cũng không thể hiện ra, sợ bố mẹ buồn.

Không thể để ước mơ cháy bỏng của mình phải ngủ yên vì nỗi lo cơm áo, Vương Trung Dũng mạnh dạn "đề xuất" với bố mẹ cho mình được nghỉ rẫy đi đóng gạch thuê, toàn bộ số tiền kiếm được anh sẽ tích góp để làm lộ phí lên Hà Nội dự thi.

Suốt một năm đó, trong khi các bạn ở miền xuôi lao vào các lò ôn luyện thi thì ở chốn non núi của tỉnh Lai Châu này, Vương Trung Dũng lại lùi lũi làm việc.

Kỳ thi Đại học cao đẳng năm đó, một tin vui bay nhanh về căn nhà nhỏ ở xã Phong Thổ, làm dậy lên cả niềm hân hoan trên suốt một dãy dài của nương bản, Vương Trung Dũng, chàng trai dân tộc Thái trúng tuyển của trường công an. Danh hiệu này càng được trân trọng hơn khi cả tỉnh Lai Châu rộng thênh thang này chỉ có hai người có được vinh dự ấy.

Năm 2004 sau 5 năm học Vương Trung Dũng tốt nghiệp Đại học cảnh sát với tấm bằng Khá và niềm vui được kết nạp Đảng.

Tháng 8 năm đó, anh được điều về phòng CSĐTTP ma túy Lai Châu, đó cũng là nơi đầu tiên ghi dấu những bước trưởng thành của chàng lính trẻ trong cuộc chiến đầy rẫy cam go với các loại tội phạm.

Giáp mặt hiểm nguy

Sau khi lần lượt trải qua các vị trí như, đội trưởng đội đội điều tra án ma túy (9-2007), đến tháng 6-2010 Vương Trung Dũng được bổ nhiệm chức vụ phó trưởng phòng cảnh sát truy nã tội phạm, một đơn vị mới được thành lập của công an tỉnh Lai Châu.

Trọng trách thêm một lần nữa đặt lên vai anh, trong 6 tháng cuối năm kể từ khi về nhận nhiệm vụ, anh đã cùng đồng đội xác lập và tham gia 11 chuyên án, bắt được 15 đối tượng. Mỗi chuyên án thành công đối với đại úy Vương Trung Dũng đều là những cuộc chiến một mất, một còn. "Tội phạm luôn ẩn khuất trong bóng tối, còn lực lượng truy bắt chúng lại ở ngoài sáng, nên nguy hiểm đối với toàn đơn vị khi nào cũng cận kề".

Xác định được như vậy, nên kể cả khi đang làm đội trưởng đội điều tra án ma túy hay phó tưởng phòng cảnh sát truy nã tội phạm anh luôn cố gắng làm giảm thiểu hiểm nguy cho đồng đội, đồng thời khống chế được đối tượng một cách nhanh chóng.

Để làm được điều này, một trong những phương án mà anh thường áp dụng đó là hóa thân thành các vai diễn khác nhau để xâm nhập vào sào huyệt của chúng. Với khuôn mặt hiền hiền kiểu thư sinh của mình, đại úy Vương Trung Dũng đã không ít lần đóng vai thầy giáo xuống bản vận động các em học sinh đến trường, lấy đó làm điểm đột phá để hạ gục nhanh đối tượng mà mình truy bắt.

Rất nhiều tên tội phạm nguy hiểm thuộc loại sừng sỏ đã phải tra tay vào còng số tám từ những lần nhập vai như thế, những chuyến đi mang lại chiến công, và cũng không ít tình huống "dở khóc dở cười".

Một lần, khi anh đang "hóa thân" thành một thầy giáo cùng với cán bộ biên phòng vào nhà một đối tượng buôn bán ma túy vờ vận động con em đi học, nhưng thực chất là lựa thời cơ để khống chế đối tượng.

Đang say sưa "thuyết trình" về lợi ích của việc học, bỗng trước cửa nhà xuất hiện một cô gái. Bước vào trong, cô gái này bất giác giới thiệu là cô giáo cắm bản xuống vận động các em đi học. Lúc đó, cả đại úy Vương Trung Dũng, anh lính biên phòng và đối tượng đều hết sức ngạc nhiên. Không để cho mục tiêu kịp nhận ra điều gì "thầy giáo" bất ngờ bật dậy, lao nhanh về phía đối tượng. Sau một cú ngoắc tay, đối tượng đã phải úp mặt xuống sàn nhà mà chưa kịp hiểu điều gì đang xảy ra.

Lần khác, Vương Trung Dũng cùng tổ chuyên án xâm nhập vào đại bàn xã Nậm Kè để truy bắt đối tượng Giàng A Giàng. Nhờ bố trí lực lượng tốt, kết hợp yếu tố bất ngờ và sự thống nhất cao trong tác chiến, Giàng A Giàng đã lập tức bị khống chế.

Thế nhưng, đúng lúc đại úy Vũ Trung Dũng đang chỉ đạo dẫn giải đối tượng về thì đằng sau, vợ của y đem theo một con dao rừng lừ đừ tiến đến rồi vung tay chém thẳng về phía anh. Bất giác quay lại, tình huống quá gấp gáp, anh chưa kịp có phản ứng gì thì từ phía xa một đồng đội của anh, đồng chí Trần Xuân Việt đã lao nhanh tới đỡ đòn. Rất may, người đồng đội đó chí bị chém một nhát vào chân, nhưng nhờ đó mà tinh thần đồng đội lại càng được siết chặt hơn bao giờ hết.

Đã làm lính hình sự trước mỗi nhiệm vụ, dù biết trước hiểm nguy vẫn không bao giờ được phép chùn bước. Đó là tâm niệm mà anh luôn tự quán triệt với bạn thân và thúc giục các đồng đội của mình cố gắng thực hiện. Đối mặt với những tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm, coi súng đạn như đồ chơi con trẻ và khi cần có thể nhả đạn gây nguy hiểm cho lực lượng truy bắt.

"Cô ấy..."

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với đại úy Vương Trung Dũng cứ bị cuốn vào bởi những chuyên án, những cuộc truy lùng tội phạm nơi núi thẳm rừng sâu với những khoảnh khắc tưởng như hiểm nguy đã treo trên đầu và sẵn sàng đổ ập xuống người bất cứ lúc nào.

Thế rồi chẳng hiểu vì sao, câu chuyện ngả sang chuyện gia đình với cuộc tình đầy lãng mạn của anh với cô gái cùng ngành, hiện đang là mẹ của các con anh.

Đại úy Dũng kể lại, những ngày đầu mới về phòng ma túy, anh luôn tự nhủ với mình phải thường xuyên bổ sung lý luận bằng việc đọc lại các hồ sơ án mà các đàn anh đi trước đã thực hiện, qua đó mà rút king nghiệm cho bản thân mình. Thế nên, sau giờ hành chính, anh thường nán lại, có hôm đến tận 23h đêm mới rời nhiệm sở.

Anh không ngờ được rằng, ở sát phòng cũng có một nữ cảnh sát mới tốt nghiệp ra trường có chung suy nghĩ ấy. Chẳng ai bảo ai, như có một bàn tay vô hình nào đó sắp đặt cho hai người nên duyên. Mỗi khi phòng của Dũng tắt điện, thì cô gái phòng bên cũng chuẩn bị ra về. Lúc đầu chạm mặt nhau ở hành lang, đại úy Dũng chỉ khẽ chào xã giao với cô đồng nghiệp trẻ mà không nghĩ ngợi gì nhiều.

Quy trình: Tắt điện cùng lúc, ra về cùng thời điểm và cùng gặp nhau ở hành lang cứ lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần. Dần dần, từ chào hỏi thông thường và hờ hững bước đi cả hai bắt đầu ngượng ngùng khi giáp mặt, những câu nói cứ nhiều lên, dài thêm. Ban đầu như hỏi cung tội phạm: Đồng chí quê ở đâu, con thứ mấy. Con gái mà làm công an vất vả lắm...cho đến: đồng chí đã ăn cơm chưa.... rồi thì trời tối rồi, tôi có thể đưa đồng chí về nhà được không...

Thế mà chẳng chỉ mấy tháng sau, phòng CSĐT tội phạm ma túy -công an tỉnh Lai Châu đã lan đi một cái tin đầy hoan hỉ "trai lính trẻ, gái mới về" sắp sửa nên duyên với nhau. Mà đúng thế thật, ít lâu sau đó chiếc thiệp hồng ghi tên hai người đã được đặt vào tay các đồng nghiệp.

Lập nhiều chiến công trong công tác phòng chống tội phạm ma túy và truy bắt tội phạm có lệnh truy nã. Anh vừa bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ luật học đề tài: "Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra các vụ án tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy do người dân tộc thiểu số thực hiện".

Theo Hồ Hồng Lam
Tuần Việt Nam

Theo Tổng hợp