Chàng cử nhân bị tăm tre 'bỏ bùa'

TP - Tốt nghiệp Ðại học Kinh tế quốc dân nhưng lại trót “nặng nợ” với tăm tre, Phạm Quang Kiên quyết định gác tấm bằng cử nhân để bắt đầu cuộc hành trình xây ước mơ từ những chiếc tăm bé nhỏ.
Phạm Quang Kiên với niềm say mê cùng những que tăm

Du thuyền, biệt thự bằng… tăm

Ngay từ hồi sinh viên, Phạm Quang Kiên đã “khác người”. Khác ở chỗ, trong khi bạn bè thích la cà quán xá hoặc chơi game thì Kiên lại dành hết thời gian ngồi lì trong căn nhà trọ chưa đầy 10m2 ở con phố Bạch Mai (Hà Nội), tỉ mẩn cắt gọt, xếp, dán từng que tăm thành hình. Khi thì trái tim, lúc là ngôi nhà, khi cả tòa biệt thự hoành tráng…

“Thực ra, từ những năm cấp 2, tôi bắt đầu đam mê vật liệu tăm tre. Sau một lần tình cờ xem được video về người làm mô hình nhà bằng tăm trong chương trình Chuyện lạ Việt Nam, hình ảnh ngôi nhà đặc biệt đó cứ ám ảnh tôi. Ngày đó chả ai dạy, nên cứ tự mày mò cắt ghép lại bằng keo 502. Sản phẩm đầu tiên chưa có kinh nghiệm nên chỗ keo nhiều, chỗ keo ít, đôi lần bị keo làm bỏng đầu ngón tay. Nhưng khi sản phẩm hoàn thành, tôi vô cùng sung sướng và cứ thế bị cuốn theo”, chàng trai 29 tuổi nhớ lại.

 Những sản phẩm bắt mắt từ tăm tre

Vào đại học, lúc rảnh rỗi, Kiên tìm tòi, học hỏi thêm về kiến trúc, sáng tạo ra các sản phẩm tăm tre từ bản vẽ của những công trình nổi tiếng như tháp London (Anh), đền thờ Taj Mahal (Ấn Độ), tháp Eiffel (Pháp)...

Ra trường, với bằng cử nhân kinh tế, Kiên dễ dàng xin được việc trong một công ty bất động sản. Công việc ổn định, lương tháng nhận đều, theo đúng nguyện vọng của cha mẹ. Ngày đi làm, tối về lại lọ mọ với mô hình tăm. Không lâu sau, Kiên bất ngờ xin nghỉ việc, để toàn tâm toàn ý theo đuổi đam mê. “Tất nhiên lúc đó bố mẹ tôi kịch liệt phản đối. Mọi người nghĩ đầu óc tôi không bình thường. Mẹ thì khóc, còn bố thì bảo nghịch chơi vui vui giết thời gian thì được, chứ bỏ hẳn công ăn việc làm để theo đuổi mấy cái tào lao này là không thể chấp nhận”, Kiên cười kể lại. Khuyên bảo không được, gia đình tuyên bố sẽ không có chuyện “trợ cấp thất nghiệp”. Vậy là hai bàn tay trắng, Kiên hoang mang đối mặt với hàng loạt chi phí từ tiền nhà, tiền ăn uống, sinh hoạt, chưa kể muốn theo đuổi đam mê thì phải có tiền mua… nguyên vật liệu đã.

Sau khi hỏi khắp bạn bè, chàng trai quê Hà Nam cũng vay được… 500.000 đồng. Kiên dành hết để mua vật liệu. Miệt mài làm 10 giờ/ngày, anh cho ra hơn chục ngôi nhà tăm tre hai tầng. Làm xong, lại chụp ảnh đăng lên facebook rao bán. Không ngờ sau 2 ngày, những ngôi nhà bằng tăm tre độc đáo được mua hết với giá 400.000 đồng/cái. “Cảm giác lúc đó rất hạnh phúc. Nó không chỉ đơn giản là kiếm được nhiều tiền, mà tôi thấy vui hơn khi biết rằng mình đang đi đúng đường”, Quang Kiên chia sẻ, “Lúc đó tự nhủ, đã đam mê và chọn sống với đam mê thì phải cố gắng nhiều hơn nữa, làm việc chăm chỉ nhiều hơn nữa”. Vậy là lại lao vào làm từ sáng đến tối, không có máy móc hỗ trợ, tất cả các sản phẩm đều được làm thủ công.

Những sản phẩm bắt mắt từ tăm tre 

Những mô hình trang trí trái tim, con thuyền, ngôi nhà một tầng, hai tầng kiến trúc biệt thự đơn giản cho đến những mô hình phức tạp, cầu kỳ bằng tăm tre dần dần được hình thành qua bàn tay chàng trai 9X. “Là sản phẩm gần như mới trên thị trường nên chưa nhiều khách hàng biết đến, do vậy tôi phải giới thiệu cho họ về nguyên liệu, chất liệu cũng như cách làm thế nào để mọi người tiếp nhận và mua sản phẩm của mình” - Kiên bộc bạch.

“Cho đi là còn mãi”

Phạm Quang Kiên cho biết, để tạo ra một sản phẩm tăm tre hoàn chỉnh thường mất từ 15 - 16 ngày, nên mỗi ngày anh đều làm việc khoảng 15 tiếng tùy vào kích thước và số lượng chi tiết. Cũng có những sản phẩm đơn giản hơn thì chỉ vài giờ là hoàn thiện, song có những sản phẩm rất phức tạp, anh phải mất cả tháng mới làm xong.

Theo chàng trai sinh năm 1992, công đoạn khó nhất khi tạo hình bằng tăm tre là thiết kế bản vẽ. Kiên thường tham khảo một số mẫu thiết kế nhà trên mạng, hình dung bản vẽ 3D, tính toán hình dạng, kích thước sao cho phù hợp với vật liệu tăm tre. Khi mô phỏng các công trình nổi tiếng, Kiên luôn tôn trọng từng đường nét kiến trúc cơ bản. Các chi tiết nhà sau khi làm xong sẽ được sơn bằng dung dịch nhựa thông pha xăng để chống ẩm mốc.Để tạo nét riêng cho mỗi sản phẩm, anh còn ứng dụng thêm công nghệ, lắp thêm linh kiện điện tử vào cho ngôi nhà thêm bắt mắt, gắn thêm loa, thêm nhạc vào các mô hình để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Hiện nay các sản phẩm nhà, trái tim, tranh thư pháp, thuyền... từ tăm tre của Kiên có giá dao động từ 300.000- 2 triệu đồng. Trong số các sản phẩm đã bán, anh tâm đắc nhất là chiếc thuyền tăm tre dài 1,5m do một khách hàng đặt riêng. Ðể hoàn thành tác phẩm này, Kiên mất hơn một tháng ròng rã sáng tạo. Hôm nhận hàng, khách phải thuê ô tô đến chở vì quá hoành tráng.

Chưa từng được đào tạo về nghệ thuật hay kiến trúc bài bản, Kiên chỉ có hai bàn tay khéo léo, tinh thần ham học hỏi và niềm đam mê đặc biệt. “Tôi nghĩ điều cần thiết khi theo đuổi công việc này là sự đam mê và đức tính kiên trì, nhẫn nại. Hiện, chưa có trường lớp nào dạy tạo hình tăm tre, tất cả chỉ là tự học, tự mày mò rồi dần tích luỹ kinh nghiệm. Nếu không kiên trì, bạn sẽ không thể cắt được những chi tiết cực nhỏ và rất dễ bỏ cuộc nếu tăm cứ gãy liên tục”, Kiên bảo. Theo anh, công việc này cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo. Bởi chỉ cần một chiếc tăm nhỏ bị lệch ra là việc ghép tăm trên khung sẽ không khớp. Sản phẩm sẽ bị méo, xấu, phải bỏ, làm lại từ đầu.

Cựu sinh viên trường Kinh tế Quốc dân phấn khởi khoe, hiện tại, dù chỉ bán sản phẩm qua trang facebook và website nhưng “làm đến đâu hết đến đó”. “Mỗi tháng tôi chỉ nhận trên dưới 100 đơn. Nhiều người hỏi sao không thuê cửa hàng, nhưng sản phẩm làm ra không có dư để bày cửa hàng. Sau này, nếu đào tạo được đội ngũ thợ có tay nghề, tôi sẽ nghĩ đến việc mở rộng quy mô, địa điểm. Vui nhất là bố mẹ đã quay sang ủng hộ khi nhận thấy tôi thực sự nghiêm túc với đam mê của mình”, Phạm Quang Kiên chia sẻ.


Không chỉ bán các sản phẩm, cách đây không lâu, Quang Kiên còn mở kênh YouTube để chia sẻ các video hướng dẫn cách làm sản phẩm từ tăm tre và bán nguyên vật liệu cho những người muốn học hỏi làm theo. “Người ta bảo tôi dại, và khuyên tôi không nên chia sẻ bản vẽ thiết kế hay cách làm cho người khác. Nhưng tôi tin cho đi thì sẽ còn mãi. Tôi biết đến công việc này qua một chương trình tivi, và may mắn thành công, nên tôi muốn chia sẻ lại kinh nghiệm, truyền cảm hứng cho các bạn có cùng sở thích, nhưng không có nhiều tiền để mua sản phẩm. Họ có thể mua nguyên liệu và tự làm” - anh nói.