Thời gian qua, trẻ em nói chung trẻ em khuyết tật Việt Nam nói riêng ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm, chăm sóc, bảo vệ thông qua các nghị quyết, luật, nghị định, tạo hành lang pháp lý, được ưu tiên hưởng các chính sách phúc lợi, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm hòa nhập xã hội.
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cho biết, đến hết 31/12/2023, Việt Nam có trên 7 triệu người khuyết tật. Trong số này, trẻ khuyết tật chiếm khoảng 28,3%; người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%; khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Thời gian qua, nhóm đối tượng này luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước và cộng đồng xã hội.
Công tác người khuyết tật nói chung trẻ em khuyết tật nói riêng đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách pháp luật, với nhiều chương trình hoạt động và các cam kết quốc tế chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật, góp phần thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội và phát triển bền vững.
Có được kết quả như vừa qua, trước hết là nhận thức, trách nhiệm từ Trung ương đến các địa phương, các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp đối với trẻ em khuyết tật được nâng cao, trẻ em khuyết tật ngày càng tự tin, thuận lợi hơn hoà nhập vào đời sống xã hội. Các cơ quan nhà nước triển khai nhiều hoạt động trợ giúp chăm lo cuộc sống của trẻ em khuyết tật, tạo cơ hội bình đẳng nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, hợp pháp, động viên để trẻ em khuyết tật phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập và có đóng góp cho xã hội.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em (năm 1989), đồng thời là thành viên thứ 118 tham gia ký Công ước quốc tế về Quyền của Người khuyết tật (năm 2007). Với những cam kết ấy, vị trí, vai trò của người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi; luật pháp của Việt Nam cũng tiến đến gần với chuẩn mực chung của pháp luật quốc tế về quyền của trẻ em khuyết tật.
Theo đó, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 dành hẳn một chương quy định về quyền con người và các điều khoản cụ thể về quyền trẻ em, trong đó có trẻ em khuyết tật.
Những cam kết chính trị cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành từ Trung ương tới cơ sở đã giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng.
Việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp người khuyết tật đã huy động được sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức và đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó có các tổ chức tôn giáo, nhân đạo, từ thiện. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cũng có nhiều hình thức hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ chức đẩy mạnh hoạt động chăm sóc, trợ giúp trẻ em khuyết tật…
Bên cạnh một số kết quả đạt được, hiện nay, vẫn còn một số cấp uỷ đảng, chính quyền, một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức chưa đầy đủ, xem công tác người khuyết tật là hoạt động nhân đạo, từ thiện, là trách nhiệm của ngành lao động - thương binh và xã hội. Trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em khuyết tật còn chậm, chưa toàn diện hiệu quả hoạt động chưa cao. Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật nói chung trẻ em khuyết tật nói riêng, chưa được quan tâm đầy đủ, thiếu sâu sát vẫn còn xảy ra.
Trẻ em khuyết tật cần sự chung tay đùm bọc, chở che, chăm sóc của cả xã hội
Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, trong những năm qua, các tổ chức của người khuyết tật đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt của người khuyết tật nói riêng và trẻ em khuyết tật nói chung.
Nhưng rõ ràng là dù có cố gắng rất nhiều nhưng do nguồn ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn nên chính sách, dù ưu ái đến mấy vẫn chưa đủ sức chăm sóc đầy đủ trẻ em khuyết tật. Vì thế trẻ em khuyết tật và gia đình của các em vẫn còn rất nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm hơn nữa của Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự chung tay đùm bọc, chở che, chăm sóc của cả xã hội.
Vì vậy, trong thời gian tới cần tăng cường tuyên truyền, truyền thông chính sách bảo trợ xã hội cho trẻ khuyết tật rộng rãi, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
Cần tiếp tục tuyên truyền, kêu gọi vận động thường xuyên các nhà tài trợ trong và ngoài nước trợ giúp sản xuất dụng cụ chỉnh hình, phẫu thuật và phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật nặng; hỗ trợ trẻ khuyết tật học nghề cũng như tạo việc làm.
Ngoài ra, cần xây dựng các mô hình hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học nghề gắn với tạo việc làm, liên kết với doanh nghiệp, vận động các nhà tài trợ hỗ trợ thử nghiệm mô hình này ở một số địa phương