Chấm dứt hợp đồng với lao động: Phải trao đổi với công đoàn

TP - Bạn Trần Tú Anh(email:tuanh@vienkhoahoc....) hỏi:

Tôi đang làm việc cho một đơn vị sự nghiệp theo hợp đồng không xác định thời hạn. Phía chủ sử dụng tự ý chấm dứt hợp đồng lao động vì cho rằng, tôi có lỗi trong quá trình làm việc và họ có báo trước 45 ngày cho tôi bằng một văn bản. Xin hỏi điều kiện để họ có quyền chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Tôi được biết chính công đoàn cũng không được hỏi ý kiến như vậy có đúng không?

Luật sư Lê Viết Phương- Văn phòng Luật sư Hồng Khang (Hà Nội) trả lời:

Theo qui định, 3 trong số 5 trường hợp mà người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động gồm a)Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng;b)Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại Điều 85 của Bộ luật lao động hiện hành; c)Người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn ốm đau đã điều trị 12 tháng liền, người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng ốm đau đã điều trị sáu tháng liền và người lao động làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng ốm đau đã điều trị quá nửa thời hạn hợp đồng lao động, mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khoẻ của người lao động bình phục, thì được xem xét để giao kết tiếp hợp đồng lao động.

Trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo các điểm a, b và c , người sử dụng lao động phải trao đổi, nhất trí với Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Trong trường hợp không nhất trí, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương biết, người sử dụng lao động mới có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Trường hợp bạn nêu, nếu chủ sử dụng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động với bạn mà không trao đổi với phía công đoàn là trái luật.

Theo Báo giấy