Khảo sát của đơn vị này cho thấy, 3 tháng qua, TP HCM giao dịch khoảng 2.600 căn hộ. Phân khúc nhà ở bình dân tiếp tục chiếm lĩnh thị trường với doanh số đạt tỷ lệ cao nhất, ứng với 40,5%.
Giá chung cư bình dân và trung cấp không dao động nhiều, chỉ giảm ở mức dưới 1%. Trong khi đó, giá nhà cao cấp điều chỉnh mạnh nhất, bị trừ 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, Marc Townsend cho biết, lượng giao dịch trong 3 tháng qua chỉ tăng chưa đến 10% so với quý IV/2013 là do Việt Nam có kỳ nghỉ Tết dài. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng 92,2% so với cùng kỳ năm 2013 chứng tỏ thị trường căn hộ, đặc biệt là phân khúc nhà ở bình dân có chuyển biến tích cực.
Chuyên gia này cho biết thêm, lượng hàng tồn kho căn hộ tại TP HCM đang giảm nhẹ. Xu hướng mua chung cư tại TP HCM cũng thay đổi. Hiện nay người mua nhà ngần ngại mua dự án cũ bị đình trệ vì ngại rủi ro và chú ý nhiều hơn đến dự án mới với giá cả hợp lý, vị trí thuận lợi.
Tuy nhiên, bình luận về cơ hội tan băng của thị trường bất động sản TP HCM, ông vẫn không giấu lo ngại: "Một số ít nhà đầu tư có vẻ tin vào sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường địa ốc trong năm 2014 và điều này khiến tôi lo lắng".
Trong thông cáo CBRE công bố tiêu điểm thị trường bất động sản quý I/2014, Marc Townsend nhận định, dù đã xuất hiện một số tín hiệu khả quan nhưng nền kinh tế vẫn còn nhiều thử thách. Trong quá trình giải quyết nợ xấu, đã có những tranh luận về tỷ lệ nợ xấu thật sự của hệ thống ngân hàng. Moody và Fitch Ratings báo cáo tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam ít nhất phải là 15%, cao hơn gần 5 lần so với con số của Chính phủ. Do đó, cần có thông tin minh bạch hơn về quy trình giải quyết nợ xấu.
"Tôi tin bất động sản đang dần tìm được sự ổn định và từng bước lấy lại niềm tin từ người tiêu dùng. Các tín hiệu tốt đã bắt đầu quay trở lại nhưng ngày thị trường hồi phục mạnh mẽ vẫn còn xa", Marc Townsend cho hay.
Theo Vũ Lê