Cây xanh gây họa, ai chịu trách nhiệm?

TP - Vừa qua, tại TPHCM xảy ra nhiều sự cố gãy, đổ cây xanh dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí chết người, song dường như trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý còn bỏ ngỏ.
Cây phượng vỹ trong sân Trường THCS Bạch Đằng ( TPHCM) bật gốc làm 18 học sinh thương vong sáng 28/5

Khó lường nguy cơ gãy đổ   

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 17/6, ông Hải (công nhân Công ty Công viên Cây xanh TPHCM) nói rất khó chẩn đoán tình trạng sức khỏe của cây xanh để kịp thời phát hiện các khiếm khuyết, bất thường bên trong thân cây và bộ rễ dưới mặt đất. Quy trình tuần tra, phát hiện cây xanh có dấu hiệu bất thường về sinh trưởng, nguy cơ gãy đổ…chủ yếu là trực quan, tùy thuộc vào kinh nghiệm của từng công nhân và chủ yếu chỉ thực hiện ở mức độ phát hiện vấn đề xâm hại
cây xanh.

“Tui có hơn 30 năm kinh nghiệm chăm sóc cây xanh nhưng cũng không thể đánh giá chuyên sâu chất lượng bên trong của cây xanh. Cây có bị mục rễ, cành nhánh trên cao có nguy cơ gãy đổ hay không… thì chưa thể phát hiện được. Hôm đốn hạ mấy cây cổ thụ trước nhà hát  thành phố để làm nhà ga metro, thấy bộ rễ bị mục hết, công nhân cây xanh ai cũng hoảng hồn ”, ông Hải
thừa nhận.

Theo một cán bộ kỹ thuật thuộc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM (đề nghị giấu tên), có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố cây xanh gãy, đổ. Đáng lo ngại là cao ốc mọc lên như nấm ở khu vực trung tâm TPHCM, tạo ra hiệu ứng gió đường hầm khiến hướng gió, tốc độ gió thay đổi và gia tăng đột ngột khi có giông lốc. Nhà cao tầng dày đặc hai bên đường làm cho cây có xu hướng nghiêng ra đường để lấy ánh sáng quang hợp,  cây dễ bị ngã đổ khi có ngoại lực tác động.

“Vấn đề đảm bảo an toàn cho ngành điện lực cũng là thách thức cho công tác đảm bảo an toàn, mỹ quan cho cây xanh đường phố hiện nay. Tình trạng cắt, khai quang cây xanh do ngành điện thực hiện và yêu cầu thực hiện làm nhiều tuyến cây xanh bị hư, lệch tán, gây mất an toàn. Rễ là bộ phận chính giữ cho cây không bị ngã đổ.

Tuy nhiên, vỉa hè vừa hẹp, vừa có nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật chen chúc với cây xanh nên phần đất và không gian dành cho rễ cây phát triển bị hạn chế và lèn chặt. Đó là chưa nói khi xây dựng mới hoặc sửa chữa các công trình hạ tầng lân cận, thông thường các rễ cây vướng thi công sẽ bị cắt bỏ khiến cây có thể ngã đổ bất kỳ lúc nào. Trong khi cán bộ đơn vị chăm sóc cây xanh có giỏi mấy cũng không lường trước được việc này”, vị cán bộ kỹ thuật này cho hay.     

Ai chịu trách nhiệm?

Theo bà Huỳnh Thị Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM, trung tâm có đơn vị chuyên thực hiện giám sát, kiểm tra thực tế cây xanh có dấu hiệu bị hư hỏng, mất an toàn cũng như bị xâm hại. Toàn TPHCM hiện có hơn 150.000 cây xanh, trong đó có hơn 6000 cây xanh loại 3 (cây lâu năm, cổ thụ). Mỗi năm, cây xanh được cắt tỉa nhánh cành theo định kỳ 2 lần vào các tháng 4,5 và 7,8). Trung tâm đã thực hiện đấu thầu và chọn được 10 đơn vị ký hợp đồng chăm sóc cây xanh trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020-2023.

Công nhân cây xanh đang tỉa nhánh để tránh cây xanh bị gãy cành gây tai nạn cho người đi đường

Bà Nga cho biết Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM đã phối hợp với các chuyên gia đến từ trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM triển khai ứng dụng đề tài nghiên cứu “xác định nguy hại, đánh giá rủi ro và quản lý an toàn cây xanh đường phố tại TPHCM”. Trung tâm xây dựng quy trình quản lý rủi ro và đánh giá tình trạng sinh trưởng, phát triển hằng năm của cây xanh đô thị theo hướng ứng dụng thêm các phương tiện, thiết bị hiện đại vào trong quá trình điều tra, chẩn đoán cây xanh bị hư hỏng, mất an toàn.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết đối với cây xanh đường phố sẽ do Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật trực thuộc Sở quản lý. Cụ thể là cây xanh ở khu vực trung tâm, nội thành, các trục đường chính của TPHCM. Còn hệ thống cây xanh trong các trục đường nội bộ, đường trong các dự án phát triển nhà (sau khi chủ đầu tư xây dựng bàn giao quản lý), trách nhiệm quản lý thuộc UBND các quận huyện. Riêng cây xanh trong mảng xanh, công viên sẽ do đơn vị được giao quản lý công viên, mảng xanh đó quản lý.

Đối với cây xanh trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nghĩa trang, các công trình tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở và các công trình công cộng khác do tổ chức, cá nhân tự chịu trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong phạm vi quản lý.

“Với những trường hợp trên, đơn vị quản lý có trách nhiệm lựa chọn đơn vị có đủ kinh nghiệm, năng lực và phương tiện để thực hiện chăm sóc, duy trì cây xanh qua các hình thức đấu thầu hoặc đặt hàng theo quy định”, ông Khiết khẳng định.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây ngã đổ gây ra, luật sư Lê Quang Vũ (Giám đốc Cty Luật Công Bình) cho biết, Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị định 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định cá nhân, đơn vị là chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh không thực hiện đúng trách nhiệm về quản lý cây xanh (quá trình trồng, chăm sóc không đúng theo quy định của pháp luật, hoặc trong quá trình chăm sóc, kiểm tra đã biết hoặc phải biết những cây nào có nguy cơ đổ, gãy khi có mưa to, gió lớn sẽ gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hay tài sản cho người khác) thì phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Nạn nhân có thể không được bồi thường nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng.

Theo luật sư Vũ, để xác định trường hợp cây xanh gãy đổ do mưa bão gây thiệt hại có phải là trường hợp bất khả kháng hay không, cần phải xác định xem cơ quan có trách nhiệm quản lý trông coi cây xanh đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục phù hợp hay chưa (như có biện pháp cắt tỉa cây trước khi có dự báo mưa bão, chặt hạ những cây, cành cây có nguy cơ gãy đổ…). Nếu đã thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp nhưng vẫn có thiệt hại xảy ra thì có thể coi đó là trường hợp bất khả kháng.

Nhiều người chết và bị thương vì sự cố cây xanh
Sáng 26/5, cây phượng vĩ trong sân trường THCS Bạch Đằng (quận 3) bất ngờ bật gốc, đổ ập xuống làm 1 học sinh lớp 6 thiệt mạng, 17 học sinh bị thương.
Chiều 13/6, cây xanh trên đường 3 tháng 2 (phường 11, quận 10) bị gãy nhánh làm 2 người đi đường bị thương, 2 xe máy hư hỏng.
Tối 13/6, cây xanh trước nhà số 202 đường Tô Hiến Thành (phường 15, quận 10) gãy nhánh rơi xuống làm một người đi đường tử vong tại chỗ, xe máy bị hư hỏng nặng.

Theo Luật Sư Lê Quang Vũ, người bị thiệt hại có thể trực tiếp yêu cầu cá nhân, đơn vị chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh bồi thường thiệt hại và nếu không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường là 3 năm.