Cây, vị thuốc tên dê trị bệnh gì?

Như ta đã biết, tên của một vị thuốc YHCT được gọi theo nhiều cách, có xuất xứ khác nhau, có thể theo hình dáng của vị thuốc...
Ảnh minh họa: Internet

Như ta đã biết, tên của một vị thuốc YHCT được gọi theo nhiều cách, có xuất xứ khác nhau, có thể theo hình dáng của vị thuốc, giống với một vật thể hay một con vật, hoặc một bộ phận nào đó của con vật... Ví dụ, vị cẩu tích là gọi theo kiểu hình dáng của vị thuốc giống với hình dáng của “sống lưng con chó”; vị thuốc hà thủ ô đỏ, lại gọi theo tên của người phát hiện thuốc này... Tương tự, nhiều vị thuốc có điển tích liên quan đến con dê.

Dâm dương hoắc: có nhiều loại, ở Việt Nam phổ biến là loài dâm dương hoắc lá mác thường mọc hoang trên vùng núi cao trên 1.500m của các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang. Sở dĩ cây thuốc có tên như vậy là vì những con dê, nhất là dê đực rất thích ăn loại cây này. Sau khi ăn cây dâm dương hoắc thì khả năng sinh dục của dê đực phát triển rất mạnh. Dâm dương hoắc được thu hoạch vào mùa hè, khi cây lên xanh tốt. Cắt lấy phần trên mặt đất, rửa sạch phơi khô. Khi dùng cắt đoạn 3 - 5cm, tẩm với mỡ dê, rồi sao vàng. Dâm dương hoắc chứa glycosid: epimedosid A, epimedin A, epimedin B, epimedin C, sagittatosid A, sagittatosid B... Ngoài ra còn có tinh dầu, phytosterol, tanin và acid hữu cơ...

Dương đề (cây chút chít - thổ đại hoàng) dùng chữa táo bón do phong nhiệt rất tốt.

Theo YHCT, dâm dương hoắc có vị cay, ngọt, tính ấm, quy vào 2 kinh can, thận. Với công năng bổ thận dương, cường gân cốt, trừ phong thấp. Dâm dương hoắc dùng chữa các chứng bệnh:

Thận dương suy yếu, liệt dương, di tinh, gân cốt đau mỏi: dùng độc vị dâm dương hoắc sắc nước uống, hoặc ngâm với rượu uống. Hoặc: dâm dương hoắc (chích mỡ dê) 100g, kỷ tử (chích mật ong) 30g, ngâm trong 1 lít rượu trắng 30 độ trong 2 - 3 tuần là được.

Chân tay đau mỏi, tê bì, nhức xương: dương hoắc (chích mỡ dê) 100g, ngưu tất (chích rượu) 100g. Ngâm như bài trên.

Viêm phế quản mạn: sắc riêng dâm dương hoắc uống. Hoặc: dâm dương hoắc, tỳ bà diệp (chích mật ong), bách bộ (chích mật ong), đồng lượng 12g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần trước bữa ăn.

Tăng huyết áp: dâm dương hoắc, ngưu tất mỗi vị 10g. Sắc hoặc hãm uống trong ngày. Uống liền 3 - 4 tuần.

Dương đề (cây móng dê):

Ý nói loài cây này mọc ở dưới đất, nơi có nốt móng chân của con dê. Đó là cây chút chít hay còn gọi là cây thổ đại hoàng họ nghể (Polygonaceae). Dương đề là loài cỏ mọc hoang ở các bờ ruộng, bờ mương... khắp các vùng trong cả nước. Rễ cây chứa chủ yếu các thành phần anthranoid: chrysophanol, physcion..., có tác dụng gây tăng trương lực, biên độ co bóp và tần số co bóp của ruột thỏ cô lập.

Theo YHCT, dương đề có vị đắng, tính hàn, quy vào các kinh vị, tràng. Có tác dụng thanh nhiệt, thông tiện, sát khuẩn. Dương đề chữa các bệnh:

Trị táo bón do đại tràng thực nhiệt: có thể ăn sống, hoặc sắc, hãm nước uống với liều tăng dần. Nếu chỉ khó đại tiện, dùng 8 - 12g, nhai sống hoặc hãm hay sắc nước uống. Nếu rất táo, có thể phối hợp chỉ xác 8g, mộc thông 12g. Nếu có chảy máu thêm hoa hòe (sao cháy) 6g.

Lá cây chút chít dùng trị hắc lào: rửa sạch chỗ bị bệnh, lau khô, rồi xát lá chút chít còn tươi vào. Ngày làm vài, ba lần.

Dương đề thảo:

Còn gọi là cây rau má lá rau muống, nhất điểm hồng, họ Cúc (Asteraceae). Vị thuốc là phần trên mặt đất, rửa sạch phơi hoặc sấy khô. Dương đề thảo chứa các alcaloid, glucosid, β-sitosterol, stigmasterol, acid palmitic...

Theo YHCT, dương đề thảo có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm, lợi thủy. Dùng trị cảm mạo phong nhiệt, sốt cao, viêm họng, mụn nhọt, lỵ cấp tính, tiểu tiện buốt dắt... Dùng ngoài, lấy lá tươi, rửa sạch, giã nát, đắp trên mu mắt, khi mắt bị sưng đỏ, đau nhức, ngày vài lần.              

GS.TS. PHẠM XUÂN SINH

Theo Sức khỏe & Đời sống