Cây thông làm từ sợi sắt: Hứa hẹn là điểm selfie đẹp mắt mùa Noel

TPO - Ba ngày trước Giáng sinh, tại bể nước ngoài trời của Vicas Art Studio xuất hiện 5 “cây thông” làm từ những sợi sắt rối sặc sỡ. Quả trang trí là những viên đá cuội lớn được khắc mật mã ở mặt dưới bị che khuất. Năm“cây thông” trông lung linh hơn trong làn tia nước từ đáy bể hòn non bộ. Tác phẩm hứa hẹn là điểm selfie đẹp mắt mùa Noel.

Yến Năng là nghệ sỹ luôn thích thú với những tác phẩm nghệ thuật có tính chất phù du, coi quá trình tạo nên tác phẩm quan trọng hơn là kết quả (nhiều tác phẩm vừa làm xong đã dỡ bỏ). Nhiều năm qua, anh đã thành danh với loạt tác phẩm phù du kiểu đó với cái tên Rác Xuân 1,2,3....

Tháng tư năm 2018, chuỗi tác phẩm “Rác xuân 3” của Yến Năng và ba nghệ sĩ khác đã từng gây chú ý với hiệu ứng từ gần 1000 cành đào củi trong không gian hạn hẹp của Vicas Art Studio (Trung tâm hỗ trợ & phát triển nghệ thuật đương đại)

   
“Đẽo cày giữa đường” lung linh như một cây thông Noel
 “Đẽo cày giữa đường”

Năm nay, Yến Năng được giao một bài toán khó: làm một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là trang trí trong khuôn bể nước của Vicas, không phải là tác phẩm bất kỳ mà phải có tương tác với những gì sẵn có ở bể nước (hòn non bộ, hai vòi phun nước). Dường như không phải suy nghĩ nhiều, anh đã nảy ngay ra ý tưởng đầu tiên: sử dụng chất liệu là những hòn cuội để làm thành một làn sóng trên mặt bể nước.

Tiếp tục mạch tư duy này, anh lại có chút thay đổi: Đá cuội sẽ được xếp cân đối như như núi đôi và mô phỏng hai miệng núi lửa đang hoạt động.Theo giám đốc nghệ thuật của Vicas Art Studio , PGS.TS. Bùi Quang, trước đây ý tưởng  sử dụng chất liệu đá cuội dường như chưa được ai khai thác trong điêu khắc, tuy nhiên về tư duy sáng tạo thì đây vẫn là mô hình cũ: Mô phỏng thiên nhiên. 

Mật mã ẩn giấu mặt dưới của viên đá cuội

Sự đột biến về ý tưởng diễn ra trong một buổi cafe tại Vicas art studio: Mỗi một người bạn, đồng nghiệp của Yến Năng đưa ra hoặc góp thêm một ý mới. 

Câu hỏi trung tâm trong cuộc thảo luận nhóm được đặt ra: Hòn giả sơn (bất di bất dịch) là một biểu tượng quan trọng của trái đất, vậy sắp đặt thêm biểu tượng gì khác để thoát khỏi những mô phỏng hiện thực trong trái đất này? Có sự tương tác giữa trái đất với hành tinh khác hay không? Làm sao để thoát khỏi lối mòn của tư duy điêu khắc mô phỏng hiện thực?

Do quá trình hình thành tác phẩm liên tục thay đổi tạo hình, ý niệm Yến Năng đã cao hứng đặt tên cho tác phẩm này là “Đẽo cày giữa đường”  Đó cũng là cách anh bày tỏ lòng trung thành với quan điểm nghệ thuật của mình: Sáng tạo nhất và thú vị nhất là quá trình tạo ra tác phẩm chứ không phải là tác phẩm.

Khắc mật mã rồi giấu nó đi

Yến Năng vốn thường chẳng nghe bất kỳ góp ý của ai khi làm tác phẩm của mình thì lần này đã tiếp thu các ý kiến khác biệt, thậm chí đối lập nhau của các bạn bè một cách vui vẻ và nhuần nhuyễn.  Tác phẩm sắp đặt của anh không còn dính dáng gì đến ý tưởng ban đầu và với một tư duy nghệ thuật hoàn toàn mới: Không phản ánh, mô phỏng tự nhiên nữa mà là một kiến tạo. 

Nghệ sĩ đã đưa thêm những biểu tượng giả sơn khác để tạo nghĩa mới cho hòn giả sơn sẵn có, trong tổng thể chúng có mối liên hệ như một chòm sao nào đó trên giải thiên hà. Những hòn giả sơn này được tạo bằng những sợi sắt, làm rối một cách ngẫu nhiên, được sơn bằng những màu bắt mắt để tạo nên độ rối loạn của những sợi sắt. Những búi sắt rối vô tình giống cây thông Noel hoặc giống quả núi, đám mây tùy theo trí tưởng tượng của người xem. Trên đó những hòn đá cuội được cài đặt lên, mỗi mồn hòn đá ấy lại được khắc những mật mã riêng biệt của những nền văn hóa mà chúng ta đã biết lẫn những nền văn hóa mà chúng ta chưa biết và có thể không bao giờ biết. 

Tác giả Yến Năng (bìa phải) cùng đồng nghiệp hoàn thiện tác phẩm
Cái hay của tác phẩm này là những mật mã ấy được ẩn giấu khi sắp đặt, nghĩa là không ai có thể nhìn thấy nó. Có lẽ tác giả muốn gieo rắc sự bí ẩn của vũ trụ cho mỗi một khán giả khi xem nó?  Mỗi người xem sẽ có cảm nhận và tự đặt câu hỏi cho bản thân về mối tương liên của mình, của nền văn hóa mình sở thuộc với không chỉ trái đất mà còn với những hành tinh khác, với những nền văn hóa hoàn toàn khác ở những nơi rất xa chúng ta. Ở đây, có sự tham gia của vô thức vào quá trình sáng tạo, Yến Năng nói: “Tôi vẽ những ký hiệu ấy rất nhanh lên 36 hòn cuội, trong vòng hơn 1 giờ, khi vẽ, tôi không suy nghĩ gì hết, hoàn toàn tự nhiên, vẽ ra theo những thứ gì đó du nhập vào đầu mình từ bao giờ đó...”
Tác phẩm hứa hẹn là điểm selfie đẹp mắt mùa Noel