1 tuần, 30 sản phẩm chứa xuyên tâm liên đăng ký mới
Dù Bộ Y tế đã rút lại công văn đề cập khuyến cáo viên nén Xuyên tâm liên phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 và sau đó Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng cảnh báo không có bất kỳ sản phẩm nào chữa hay kháng được được COVID-19, nhưng những ngày qua, xuyên tâm liên vẫn được nhiều người lùng mua, tăng giá chóng mặt. Các doanh nghiệp cũng đua nhau tung ra thị trường đủ loại sản phẩm có chứa xuyên tâm liên mới.
Như viên uống thảo mộc xuyên tâm liên của Cty TNHH Dược phẩm Quốc tế An Hoà Phát Takeda Tokyo Japan mới được chào bán trung tâm thuốc Hapu giá khoảng 70.000 đồng/ hộp và lập tức trên chợ mạng giá bị đẩy lên đến 180.000 đồng/ hộp. Theo tìm hiểu của PV, viên uống này mới được Chi Cục An toàn thực phẩm Hà Nội (CCATTPHN) cấp công bố hôm nay (28/7) dưới dạng thực phẩm thường. Chỉ trong thời gian ngắn từ ngày 23-28/7, công ty này liên tiếp công bố đưa ra thị trường tới 7 sản phẩm có chứa xuyên tâm liên.
Điều đáng nói, viên uống xuyên tâm liên được công bố là thực phẩm thường, nhưng quảng cáo của người bán các sản phẩm này lại dễ gây hiểu nhầm, khi tự gắn công dụng hỗ trợ phòng ngừa các vấn đề về hô hấp do virus gây ra. Trong ngành nghề đăng ký kinh doanh, công ty này không đăng ký mã ngành 1079 – Sản xuất thực phẩm chức năng. Cũng trong khoảng 1 tuần qua, 30 sản phẩm có chứa xuyên tâm liên được công bố đăng ký tại CCATTPHN. Trong khi đó, năm 2020 chỉ có duy nhất 1 sản phẩm chứa xuyên tâm liên được công ty đăng ký mới.
Loạn giá, “nổ” công dụng
Trên chợ mạng, một số sản phẩm chứa xuyên tâm liên cũng “nổ” công dụng phòng chống COVID-19, đơn cử như xịt họng thảo dược của Dược An Thịnh Đường. Ngoài dạng bào chế, thì xuyên tâm liên nguyên liệu cũng được rao bán với nhiều mức giá khác nhau.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hồi đầu tháng 7/2021, xuyên tâm liên khô phổ biến khoảng 120.000 đồng/kg, sau công văn gây bão về công dụng của xuyên tâm liên, thì nay đã có chỗ bán gần 500.000 đồng/kg.
Trao đổi với Tiền Phong, Lương y Nguyễn Hồng Siêm, Phó Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho biết, xuyên tâm liên là cây thuốc có tác dụng chữa trị bệnh cúm. Vừa qua tại Thái Lan và Trung Quốc, rộ lên thông tin Xuyên tâm liên có thể chữa khỏi 70% ca bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2 ở giai đoạn đầu như hắt hơi, sổ mũi.
“Thông tin này không biết thực hư ra sao, song ở Việt Nam đến nay chưa có một nghiên cứu khoa học cụ thể nào về việc Xuyên tâm liên có thể hỗ trợ, hay điều trị COVID-19. Bởi các dạng cúm là khác nhau, Xuyên tâm liên điều trị cúm mùa, cảm lạnh,…còn giờ là cúm virus với các biến thể chưa từng có, rất phức tạp”, ông Siêu cho hay.
Phó Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho rằng, việc cơ quan chức năng đưa các sản phẩm có vị Xuyên tâm liên vào danh mục thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 là nóng vội, thiếu chặt chẽ. Vừa qua, sau khi thông tin này xuất hiện, Xuyên tâm liên cũng tăng giá đột biến, từ 20-30 nghìn đồng/kg lên 200-300 nghìn đồng/kg.
“Nhiều người cứ thấy thuốc có mác Đông y gia truyền đều cho rằng đó là thuốc tốt. Nhưng thực tế, thuốc nào cũng có thể gây ra tác dụng phụ và nguồn gốc nguyên liệu của thuốc đó, chất lượng ra sao còn chưa biết được. Người bệnh phải rất cẩn trọng khi sử dụng thuốc Đông y, và nên đi khám, chữa bệnh ở những nơi được cấp phép, không nên nghe theo những lời quảng cáo trên mạng dễ tiền mất, tật mang”, ông Siêm nói.
Phó Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam thừa nhận, hiện thị trường Đông y của Việt Nam khá bát nháo, chỉ cần lướt qua internet, mạng xã hội, dễ dàng bắt gặp hàng trăm trang web kinh doanh thuốc Đông y gia truyền với đủ loại đặc trị các bệnh, trong đó có cả những bệnh nan y. Thậm chí, nhiều đơn vị, doanh nghiệp còn giả mạo hình ảnh của lương y để quảng cáo, bán hàng, trục lợi.