Làng đại học Q.Thủ Đức (TP.HCM) lại có một cái tên rất mới là làng net. Bởi ở đây có một bộ phận sinh viên thức đủ cả đêm. Họ thức không phải để dùi mài kinh sử mà để… “cày game”. Song hành với họ, phần lớn quán internet mở cửa 24/24.
Những điểm hẹn đêm khuya
“Muốn tìm quán net chơi đêm hả, có gì đâu mà khó. Ở đây (Q.Thủ Đức) hầu như quán nào cũng phục vụ thâu đêm suốt sáng cả”, Trọng Bạch, sinh viên (SV) Trường CĐ Xây dựng số 2 hướng dẫn.
Bạch dẫn đến quán 239 trên đường Hoàng Diệu 2, P.Linh Trung. Lúc này là 2 giờ sáng. Ngoài đường chẳng còn bóng người. Nhìn từ ngoài vào, quán tắt đèn, cửa sắt đóng im ỉm. “Giả bộ qua mắt công an thôi. Chứ trong đó đang chơi đấy. Kêu là quán mở ngay”, Bạch tỏ ra tường tận.
Khi đi tìm hiểu thực tế thì chúng tôi thấy quả đúng như vậy. Bên trong, hàng chục thanh niên say sưa dán mắt vào màn hình với những trò game online, trò chuyện trên Facebook, xem phim… Có người gục hẳn xuống bàn phím ngủ. Có người ngủ mê mệt trên những chiếc ghế xếp vào nhau được kê ngổn ngang trong tiệm.
Không chỉ riêng quán này, ở Q.Thủ Đức còn có hàng chục quán net khác được giới trẻ, đặc biệt là SV, thuộc làu tên và địa chỉ, xem là những “điểm hẹn đêm khuya”, có thể tìm đến bất kỳ lúc nào.
Được biết “khách hàng thân thiết” của quán 239 là SV các trường: ĐH Sư phạm kỹ thuật và CĐ Xây dựng số 2. Trong khi đó, SV Trường ĐH Ngân hàng nếu muốn “qua đêm”, thường tìm đến các quán: Net Việt Pro (127 Hoàng Diệu, P.Linh Trung), Net Phú 2 (204A Hoàng Diệu 2, P.Linh Chiểu), các quán Hoàng Long, Nguyên Phương, Nam Khang (từ số 246A đến 250A Hoàng Diệu, P.Linh Trung)…
Chúng tôi đã tìm đến những quán này trong quãng thời gian từ 1 - 3 giờ sáng trong suốt thời gian dài và nhận thấy câu nói mà nhiều SV kháo nhau rằng “Thủ Đức thức đủ” quả không sai tí nào.
Cảnh ngủ gật hàng đêm trong nhiều quán net ở Thủ Đức
Giấc ngủ của game thủ
Thực đơn của những game thủ chỉ nước và thuốc lá - Ảnh: Thanh Nam
Ngủ ở quán net
Qua đêm làng game
Lê Tùng, SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ví von: “Xuống Làng đại học (nơi tiếp giáp giữa P.Linh Trung, Q.Thủ Đức và P.Đông Hòa, thị xã Dĩ An, Bình Dương - PV) khó mà phân biệt được ngày và đêm. Đêm khuya mà ngỡ ban ngày”.
Thử dạo một vòng quanh khu vực này sẽ thấy các quán net luôn mở cửa, bật điện sáng trưng 24/24, và lúc nào cũng đông nghẹt khách. Hàng chục SV ở mỗi quán mải miết rê chuột, bấm phím điều khiển những nhân vật trong game, “chém gió” với bạn bè trên mạng.
Nếu như ở nhiều nơi mà chúng tôi khảo sát, để đối phó và tránh sự chú ý của cơ quan chức năng, các quán net hoạt động ban đêm qua mặt bằng cách: dắt xe của khách vào tiệm, đóng hờ cửa, có người cảnh giới, cất hoặc tắt điện bảng hiệu thì tại khu vực này các tiệm net hoạt động khá… vô tư.
Những quán như: Net Coffee, Tân Tiến 2, Phú, Cây Sứ (ở khu vực trước Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc tế), Đồng Quê 1, GNet, Space, Ngọc Tú hay các quán Net Club, Tân Tiến 3 (gần các trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Thể dục thể thao)… (mỗi quán có từ 30 - 50 máy tính - PV) luôn sáng đèn, mở cửa mỗi đêm. Để giới thiệu và chào mời khách mới, nhiều quán không ngần ngại trưng thêm bảng “24/7”, thậm chí ngang nhiên dựng xe ngoài vỉa hè. Đâu đâu cũng chật cứng, kẻ ra người vào nườm nượp.
3 giờ sáng. Vừa rời khỏi quán net Space, 4 chiếc xe máy với chục thanh niên, trong đó phân nửa là các cô gái tiếp tục vào. Họ khoe vừa đi đua xe về và sẽ qua đêm tại đây.
Cũng từ việc khu vực này tập trung rất nhiều quán net hoạt động thâu đêm suốt sáng như vậy, nên nhiều SV đã đổi tên làng đại học thành… làng game, làng net.
Mặc dù đã có quy định cấm các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng hoạt động ngoài thời gian từ 8 đến 22 giờ hằng ngày, nhưng các quán net vẫn ngang nhiên hoạt động và dường như các cơ quan chức năng cũng không tìm đến xử phạt. “Nếu nói chính quyền địa phương không biết thì khó tin. Bởi tồn tại nhan nhản những quán vô tư hoạt động hằng đêm như thế. Dân còn biết, sao cơ quan chức năng không biết được”, một người dân bán đồ ăn khuya ở Làng đại học bức xúc nói.
Chúng tôi đã liên lạc với trung tá Nguyễn Văn Hây, Trưởng công an P.Đông Hòa, TX.Dĩ An, Bình Dương, nhưng ông Hây từ chối trả lời vấn đề này. Tương tự, PV cũng không thể gặp được Trưởng công an P.Linh Trung, Q.Thủ Đức để có được câu trả lời cho vấn nạn nêu trên.
2 gói thuốc và 2 chai nước
Đó là “thực đơn” qua ngày của Văn Phước, SV Trường ĐH Bình Dương, mỗi khi “cày game”. “Ít ăn lắm. Thuốc và nước là đủ rồi. Có ngày hơn 2 gói”, Phước cho biết.
Không riêng Phước, qua hỏi chuyện nhiều game thủ, hầu hết là SV, cũng thừa nhận chỉ hút thuốc và uống nước. Vì thế những người “cày game” đêm thường có bộ dạng khá giống nhau: môi thâm, người gầy trơ xương, gương mặt phờ phạc, ủ rũ.
Mặc dù ở mỗi quán đều có những dịch vụ phục vụ từ A - Z, chẳng những cung cấp các loại thẻ game, mà còn đáp ứng đầy đủ: nước, thức ăn (chủ yếu mì gói)..., tuy nhiên “ăn chi phí, để dành tiền cày game thích hơn”, Công Trọng, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, vừa tập trung điều khiển những siêu cầu thủ trong trò chơi bóng đá, vừa nói.
Trọng cho biết thêm: “Nếu thuê nhà mỗi tháng phải tốn 1,5 triệu đồng. Quá phí. Ra quán net mỗi đêm chỉ tốn tầm 20.000 đồng tiền giờ. Đăng ký tài khoản, thích thì chơi, không thích thì tắt máy ngủ. Mỗi tháng khoảng 600.000 đồng. Có chỗ ngủ, có chỗ tắm rửa. Rất tiết kiệm” (?!).
Theo Thanh Nam