Cầu viện tiền ngân sách

TP - Trong bối cảnh kinh doanh không thuận lợi, khoản kinh phí hoạt động 60-80 tỷ đồng/năm, trở thành gánh nặng đối với các CLB. Nhiều đội bóng đang phải nhờ cậy sự hỗ trợ của địa phương.

> Lo CLB bóng đá phá sản

Thanh Hóa (trái) là một trong những CLB cần sự trợ giúp từ ngân sách để hoạt động. Ảnh: VSI.

“Kế hoạch CLB mùng 6-10 tới sẽ tập trung trở lại, nhưng đội hiện tại vẫn đang trong tình trạng “đắp chiếu để đó” cho chủ tịch có thời gian nghỉ ngơi”. Đây là tình trạng của CLB bóng đá Thanh Hoá qua cách nói vui của Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ hôm qua.

Gần thời điểm này năm ngoái, Thanh Hoá công bố khoản kinh phí hoạt động lên tới 80 tỷ đồng tại lễ xuất quân khá hoành tráng tổ chức ở tỉnh. Tuy nhiên bước vào mùa giải năm nay, đến thời điểm hiện tại Thanh Hoá vẫn chưa biết chắc có bao tiền để hoạt động.

Theo thông tin gần đây, CLB đang “kêu” khó khăn với tỉnh, nhờ giúp đỡ để giảm bớt gánh nặng.

Thực tế, trong 80 tỷ đồng kinh phí năm 2012, phần nhỏ được ngân sách tỉnh cấp cùng với phần lớn là nguồn đóng góp của các doanh nghiệp trong tỉnh, nhưng “cũng là tiền của tỉnh cả”, theo Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ.

Thanh Hoá không phải trường hợp duy nhất phải kêu cầu địa phương. Đồng Tâm Long An là một ví dụ khác.

Chủ tịch Võ Quốc Thắng hôm qua đã phủ nhận khả năng đội bóng sẽ đổi tên thành Long An, cùng với việc được các doanh nghiệp trong tỉnh chia sẻ bớt gánh nặng.

Ông Thắng cho biết đây chỉ là một phương án được đặt ra, nhưng khó thành hiện thực. Hai mùa giải gần đây, Đồng Tâm Long An đã buộc phải thắt chặt chi tiêu.

“Công tác chuẩn bị cho mùa giải 2013 của đội vẫn đang được tiến hành bình thường. Tôi nghĩ là không có vấn đề gì cả”-ông Thắng cho biết.

Một trường hợp được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua là SLNA. Đội bóng xứ Nghệ hiện cũng đang trong tình trạng thấp thỏm chờ cuộc làm việc giữa ngân hàng Bắc Á với lãnh đạo tỉnh Nghệ An.

“Hợp đồng trước đây ngân hàng Bắc Á tài trợ cho CLB trong ba năm. Nay hết hạn thì đương nhiên phải làm việc lại. Lãnh đạo tỉnh hiện đi công tác nên chúng tôi buộc phải chờ”-TGĐ Công ty cổ phần bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh cho biết.

Ông Thanh cũng để ngỏ khả năng đội phải nhờ tới tỉnh để nuôi đội bóng, hoặc ít nhất là các đội trẻ. Tuy nhiên, theo ông Thanh, do bóng đá ngoài mục đích kinh doanh còn là hoạt động công ích, nên việc địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cũng là chuyện cần thiết.

“Các CLB lớn trên thế giới thực ra cũng đều phải có các tập đoàn đứng sau. Trong khi ở ĐNA, quy mô doanh nghiệp còn nhỏ nên nếu để riêng cho doanh nghiệp lo chắc chắn sẽ rất khó khăn. Thực tế để CLB hoạt động, địa phương vẫn phải tạo hỗ trợ sân vận động và các điều kiện khác. Tình hình hiện nay, 60, 70 tỷ đồng không phải là khoản tiền nhỏ đối với doanh nghiệp. Với chừng ấy tiền, nếu đâu tư vào đất đai, các hoạt động kinh doanh khác thì còn, chứ bỏ vào bóng đá xong là hết vì đã CLB nào tự tạo ra được tiền”-ông Thanh cho biết.

Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, với tình trạng hiện nay, LĐBĐVN (VFF) cần cân nhắc đánh giá lại quá trình doanh nghiệp hoá các CLB cũng như thực trạng phát triển bóng đá VN.

“Bóng đá chuyên nghiệp là doanh nghiệp, mà nay doanh nghiệp khó khăn thì làm sao phát triển được. Nếu cần thì phải áp dụng phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, chứ để doanh nghiệp tự “bơi” sẽ rất khó”-ông Thanh nói.

Theo Báo giấy