Câu đối của cụ Nguyễn Sinh Sắc ở chùa Hội Khánh

TP - Ngôi chùa cổ ở Thủ Dầu Một (nay thuộc tỉnh Bình Dương) cách TPHCM khoảng 30 km, nơi còn lưu giữ nhiều câu chuyện về nhà sư Thiện Thành ( tức cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác Hồ) trong những ngày đi chấn hưng, đổi mới Phật pháp, đặc biệt là câu đối cổ tới nay vẫn còn nguyên giá trị.

Trung tâm Phật giáo một thuở

Chùa Hội Khánh được xây vào năm 1741, trên ngọn đồi nhỏ ở Thủ Dầu Một. Chùa uy nghi nằm trên đồi cao, xung quanh dân cư từ miền Bắc miền Trung vào quần tụ. Nhà sư Thích Huệ Thông, hiện trụ trì chùa cho biết: “Năm 1861 giặc tiến đánh vùng này và đốt cháy chùa Hội Khánh”.

Ngôi chùa 120 năm tuổi bị thiêu rụi. Hiện giờ dưới chân đồi còn bảo tháp thờ linh cốt của vị sư tổ Đại Ngạn. Nhà sư Huệ Thông kể: “Ngay khi ngừng tiếng súng, ta đã bắt đầu dựng lại ngôi chùa”.

Ngôi chùa ngày nay được xây dựng vào năm 1868, trên mái có hình rồng, phượng rất đẹp. Nguyên xưa kia ruộng đất của chùa rất nhiều, sau hiến tặng cho nhà nước.

Trước cửa chùa còn khuôn đất rộng, người dân nói “có lúc người ta quy hoạch xây chung cư, che luôn tầm nhìn của chùa, nhưng nhờ người dân phản ứng quyết liệt nên dự án ấy phải dừng lại” và nay vị trí ấy đặt một bức tượng Phật nhập niết bàn lớn và một trường Phật học được xây lên.

 Lúc đất nước lâm nguy dân tộc lầm than mà hùn tiền xây chùa to đúc Phật lớn không làm được gì giúp ích cho nhân loại thì đi trái lại với giáo lý từ bi của Phật 

Cụ Nguyễn Sinh Sắc nói khi giảng giáo lý ở miền Tây

Ngày nay nhiều nơi dựng chùa lớn, ít ai biết ngôi chùa cổ nhỏ bé khiêm nhường Hội Khánh từng một thời phát đi những tư tưởng Phật học quan trọng.

Năm 1885, chùa Hội Khánh dù trong hoàn cảnh khó khăn trăm bề vẫn tổ chức khắc in bộ mộc bản kinh để cấp phát cho các chùa khu vực Sài Gòn Gia Định, đồng bằng sông Cửu Long. Trong thế giặc như nước lũ, nhưng nhà chùa vẫn bình tĩnh in ấn, phục dựng ngôi chùa.

Nhà sư Huệ Thông trụ trì kể: “Sau khi Pháp chiếm một phần nước ta, chúng muốn lấy lòng các vị sư của chùa. Năm 1920 toàn quyền Đông Dương tổ chức hội chợ thuộc địa, bèn mời chùa đại diện cho các chùa Nam Kỳ, đem tượng La Hán sang Pháp triển lãm”.

Khi ấy, vị danh tăng là trụ trì đời thứ 6 là nhà sư Từ Tân. Nhà sư kiến thức uyên thâm, Phật pháp tinh tường, được chính phủ Pháp mời làm lễ cầu siêu lớn ngay tại Pháp trong chuyến đi đó.

Chính phủ Pháp phong cho nhà sư Từ Tân là Tăng Thống của Phật giáo Nam kỳ, chức vị thống lãnh cao nhất của Phật giáo Nam kỳ. Pháp rất mừng vì tưởng rằng đã mua chuộc được Phật giáo Nam Kỳ, nhưng kỳ thực nhà sư Từ Tân đã dùng uy tín của mình để bảo vệ và chấn hưng Phật giáo. Trong đó, việc làm lịch sử của nhà sư là đã cùng các nhà cách mạng lập nên tổ chức yêu nước mang tên Hội Danh Dự.

Hội Danh Dự thu hút nhiều nhân sĩ, sau đều trở thành các nhà cách mạng. Chẳng hạn như Hòa thượng Từ Tâm là người vận động nhân dân tham gia Khởi nghĩa Nam kỳ, bị Pháp bắt kết án khổ sai chung thân đày đi Côn Đảo. Hòa thượng Thích Minh Trí bị Pháp bắt và hành quyết tại Thủ Dầu Một. Ngay tại pháp trường ở quê nhà, hòa thượng Minh Trí rất bình thản mà không hề sợ hãi trước kẻ thù.

Câu đối cổ của cụ Nguyễn Sinh Sắc

Theo nhà sư Huệ Thông, việc hoạt động của các nhà cách mạng được bí mật, nên sau năm 1975 không nhiều người biết. Nhà sư thấy ngôi chùa cổ, ra sức bảo quản, sửa chữa. Hỏi thăm những chứng tích xưa, nhà sư Huệ Thông nói: “Trước vẫn còn bộ phản mà cụ Sắc hay nằm, ván bằng gỗ tốt. Vị trụ trì trước đã đem cho ngôi chùa khác dùng mất rồi, chúng tôi đi chuộc nhưng chưa tìm được chiếc phản ấy”.

Cụ Nguyễn Sinh Sắc vốn nhiều năm giữ vị trí Thừa biện Bộ Lễ của triều đình, là chức quan trọng trong việc trông coi những việc tâm linh, thờ cúng, thiên văn địa lý cho đất nước. Khi bị giặc Pháp trục xuất khỏi Thủ Dầu Một, cụ đã để lại chùa Hội Khánh một chiếc la bàn. Hiện bảo tàng Bình Dương đang giữ chiếc la bàn này.

Khi làm Thừa Biện Bộ Lễ, ông Nguyễn Sinh Sắc được triều đình giao trông coi việc học ở Quốc Tử Giám. Khi rời chốn quan trường, cụ đi đây đó mở mang dân trí mà việc lập Hội Danh Dự là một ví dụ.

Hiện trong chùa Hội Khánh còn giữ câu đối của cụ. Câu đối này vốn cụ tặng cho hai chùa ở Thủ Dầu Một là chùa Kim Liên (trùng tên làng cụ ở Nghệ An) và chùa Hội Khánh. Câu đối như sau:

“Đại đạo quãng khai thố giác khiêu đàm để nguyệt.

Thiền môn giáo dưỡng quy mao thằng thụ đầu phong”

Sư Huệ Thông tạm dịch :

“Mở rộng đạo lớn như sừng thỏ như mò trăng đáy nước

Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa như cột gió đầu cây”

Theo sư Huệ Thông, sừng thỏ, mò trăng đáy nước, lông rùa, cột gió đầu cây đều là những kinh điển Phật thường dẫn dụ nói đến những việc không thể có kết quả. Vậy tại sao cụ Nguyễn Sinh Sắc lại nói việc mở rộng đạo và xây chùa lại không có kết quả gì? Qua nhiều nghiên cứu, nhà sư Huệ Thông đã cho biết: “Thời Pháp thì chế độ thực dân mua chuộc, làm tha hóa sư sãi. Thậm chí họ để sư lấy vợ ở trong chùa, chỉ coi như ông từ. Cụ Sắc cho rằng việc phát triển đạo Phật phải gắn liền với việc cứu nước, phát triển đất nước thì Đạo mới có thành tựu”.

Thời nay, khi mà không ít vị sư sãi đi xe hơi đắt tiền, dùng điện thoại sang trọng giữa lúc đệ tử còn khó khăn, con cái thất học, ốm đau không đủ tiền chữa trị, làng quê mùa màng thất bát... khiến Phật tử không khỏi chạnh lòng. Câu đối của cụ Nguyễn Sinh Sắc với pháp danh thiền sư Thiện Thành quả vẫn là một lời răn nghiêm khắc.

12/2013

Theo Báo giấy