Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu khắc phục tình trạng nâng cao mặt đường và cầu thuộc dự án mở rộng QL 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
Theo đó, đối với các đoạn qua đô thị, khu vực đông dân cư chưa thi công phải bóc nền đường cũ, làm lại mặt đường mới; mặt đường mới cao tối đa so với mặt đường cũ không quá 13 cm. Đối với các tuyến đã đắp song nền nếu cao hơn mặt đường cũ dưới 30 cm vẫn được “châm chước” thi công tiếp. Các đoạn tuyến tôn cao hơn 30 cm phải dừng ngay để chờ xử lý. Với đường ngoài đô thị, mức độ “châm chước” của Bộ GTVT là dưới 50cm, cao hơn buộc phải dừng ngay để xử lý.
Để đảm bảo tiến độ hai dự án trọng điểm này, Bộ GTVT yêu cầu rà soát lại thiết kế các đoạn tuyến để điều chỉnh ngay trong đầu tháng 6. Bộ trưởng Thăng cũng phân công các thứ trưởng phụ trách các dự án trực tiếp kiểm tra để có những điều chỉnh trên thực tế.
Trao đổi với Tiền Phong ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Quản lý xây dựng và chất lượng công trình (Bộ GTVT) cho biết: Dự án nâng cấp mở rộng các tuyến đường có mục tiêu nâng cao tốc độ khai thác nên phải tăng cường cường độ mặt đường (tăng mức độ chịu lực của nền đường - PV).
Tuy nhiên, giải pháp thi công được đưa ra là tận dụng, không cào bóc mặt đường cũ nhằm tiết kiệm kinh phí đầu tư. Do vậy, đã làm tăng cao độ mặt đường. Ông Sanh cũng cho biết, giải pháp thi công cũng thiên về việc tiết kiệm chi phí nên chưa thiết kế loại vật liệu đắt tiền để giảm được cao độ.
Ông Sanh thừa nhận, nếu không kịp thời áp dụng các biện pháp xử lý kỹ thuật để giảm cao độ, dân cư hai bên đường sẽ tốn các chi phí để sửa chữa nhà. “Tình hình xã hội ven QL1 và QL14 đã hình thành từ lâu. Nhà nước có thể tăng một phần kinh phí cho xử lý kỹ thuật nhưng xã hội sẽ tiết kiệm được rất nhiều do không phải sửa chữa các công trình của nhân dân” - ông Sanh nói.