Báo cáo Phó Thủ tướng cùng Đoàn công tác, ông Phạm Hồng Quang - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC, chủ đầu tư dự án - cho biết, đến nay toàn bộ 11 gói thầu xây lắp của dự án đã đạt 81%.
Từ đầu năm 2019, dự án đang trong quá trình thực hiện thì gặp nhiều vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật, dẫn đến không được bố trí vốn để tiếp tục thực hiện.
Hiện nay, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT và các Bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ VEC tối đa theo thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của dự án này và trình Chính phủ phê duyệt các nội dung vượt thẩm quyền.
Theo ông Quang, nếu các vướng mắc sớm được tháo gỡ (dự kiến trong tháng 3 và 4/2023) thì dự án sẽ hoàn thành theo tiến độ dự kiến như đã trình Thủ tướng Chính phủ.
"Nếu trong tháng 3, Chính phủ có nghị quyết thông qua, chấp thuận chủ trương để VEC bố trí nguồn vốn của mình tiếp tục thi công phần còn lại của dự án, bố trí vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng và chúng tôi tận dụng hết khả năng của mình thì đến hết quý I/2024, toàn bộ phần đường bộ sẽ thi công xong" - ông Quang thông tin.
Tổng Giám đốc VEC cho biết, chi phí dừng chờ bố trí vốn cho dự án cơ bản sẽ không phát sinh thêm do các nhà thầu phía Tây (ngoại trừ gói A2-1 và A3) đã cơ bản hoàn thành, còn gói A1, A4 đã chấm dứt hợp đồng. Gói A2-2 đang thực hiện thủ tục chấm dứt hợp đồng để đấu thầu lại.
Về nguyên tắc, khi nhà thầu chấm dứt hợp đồng thì chi phí dừng chờ không còn nữa. Ngoài ra, đối với các nhà thầu phần JICA tài trợ thì gói J2 đã cơ bản hoàn thành, gói J3 đã chấm dứt hợp đồng, gói J1 đã tái khởi động thi công. Bên cạnh đó, các gói thầu phía Đông gồm: Gói A5 đã hoàn thành. Gói A7 đang triển khai. Gói A6 đã chấm dứt hợp đồng và đấu thầu lại. VEC đang trình ADB thông qua kết quả lựa chọn nhà thầu.
Tại buổi kiểm tra, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành là công trình trọng điểm được quan tâm. Hiện nay, dự án ngưng thi công là quá chậm, gây lãng phí.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, đơn vị liên quan, nhất là Bộ Tài chính, cần nhanh chóng rà soát lại, sớm có giải pháp cung ứng nguồn vốn để dự án tiếp tục triển khai thi công trở lại.
“Một là ta phải đàm phán với các đối tác phát triển, thứ hai là sử dụng ngân sách của ta. Cơ chế thế nào, đề xuất thế nào... Phải đưa ra một giải pháp chung trên toàn tuyến, giải pháp kỹ thuật để tăng tốc cho toàn dự án” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,8km, trong đó đi qua tỉnh Long An 2,7km, TPHCM 26,4km và tỉnh Đồng Nai 28,7km. Tổng mức đầu tư của dự án là 31.320 tỷ đồng, được sử dụng bằng 3 nguồn vốn, gồm vốn vay ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á) hơn 13.654 tỷ đồng, vốn vay JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) hơn 11.975 tỷ đồng và vốn đối ứng trong nước hơn 5.689 tỷ đồng.
Dự án được khởi công từ năm 2014 và dự kiến hoàn thành năm 2019, tuy nhiên, đến nay dự án đang chậm tiến độ kéo dài.
Nguyên nhân chậm trễ là do quá trình thực hiện gặp vướng mắc về vốn đầu tư (hiệp định vay ADB lần 1 cho đoạn phía Tây đóng ngày 30/6/2019 không được gia hạn do phát sinh vướng mắc về thẩm quyền “cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư” đối với dự án; vốn ODA cho đoạn JICA và vốn đối ứng không được giao từ tháng 1/2019) dẫn đến dừng thi công từ giữa năm 2019 đến nay.
Về hiệp định vay, trong dự án hiện chỉ còn hiệp định vay ADB lần 2 là 286 triệu USD cho các gói thầu đoạn phía đông có hiệu lực đến ngày 31/12/2023 và hiệp định vay JICA lần 2 là 31,328 tỷ JPY cho các gói thầu đoạn JICA có hiệu lực đến ngày 17/7/2024.