Sáng nay (3/1), TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 38 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Họ bị truy tố về các tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Trong số 38 bị cáo, có 30 bị cáo bị tạm giam, 8 bị cáo tại ngoại.
Khoảng 7h, gần 10 xe đặc chủng và xe chuyên dụng, chia thành 3 đoàn dẫn giải 30 bị cáo tới tòa. Trong số này có hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh.
Ông Nguyễn Thanh Long bước xuống xe với đôi tay bị còng, mái tóc bạc trắng, đôi mắt thâm quầng và gầy hơn so với thời điểm bị bắt tạm giam. Trong giai đoạn điều tra, ông Long đã nộp khắc phục 2,25 triệu USD, được đánh giá thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tích cực hợp tác với cơ quan điều tra.
An ninh phiên toà được thắt chặt, tất cả những người tham gia tố tụng đều phải để thiết bị điện tử phía ngoài và kiểm tra nghiêm ngặt khi trước khi vào phòng xét xử...
Đáng chú ý, 3 bị cáo trong vụ án này từng bị Tòa án Quân sự Thủ đô đưa ra xét xử sơ thẩm từ ngày 27 - 29/12/2023, họ gồm: Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) bị phạt 25 năm tù; Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) 6 năm tù và Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ KH&CN) 15 năm tù về các tội: "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Tòa triệu tập 24 nguyên đơn dân sự, 139 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan… Trong số 24 nguyên đơn dân sự, có 17 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) của 17 tỉnh, thành phố và đại diện 2 Sở Y tế tỉnh, 5 Bệnh viện đa khoa.
Đại diện Bộ Y tế, Bộ KH&CN được triệu tập tới phiên tòa với tư cách tham gia tố tụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
HĐXX có 5 người, gồm 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân; Thẩm phán Trần Nam Hà làm Chủ tọa; 5 kiểm sát viên Viện KSND Tối cao và Viện KSND TP Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.
Hồ sơ vụ án thể hiện, đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, Phan Quốc Việt biết chủ trương nghiên cứu sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch nên xin cùng tham gia đề án. Sau khi được chuyển giao quy trình nghiên cứu kit xét nghiệm, bị can giao cấp dưới tiếp tục phát triển để sản xuất, rồi xin cấp phép lưu hành, kinh doanh thương mại.
Để Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu đề tài, phát triển sản phẩm kit test được cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm không thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, tạo điều kiện hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương theo giá đã được nâng khống, Phan Quốc Việt đã đưa tổng số tiền là 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng cho một số cán bộ liên quan trong vụ án.
Cụ thể, Việt hối lộ ông Nguyễn Thanh Long 2,25 triệu USD; Nguyễn Huỳnh (thư ký của ông Long) 4 tỷ đồng; Nguyễn Minh Tuấn (cựu vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế Bộ Y tế) 300.000 USD; Trịnh Thanh Hùng (cựu vụ phó Vụ KH-CN) 350.000 USD; Nguyễn Nam Liên (cựu vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế) 100.000 USD.
Ngoài ra, Việt còn chi tiền "cảm ơn" cho ông Nguyễn Văn Trịnh 200.000 USD; Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN) 50.000 USD; Chu Ngọc Anh 200.000 USD.
Theo Viện kiểm sát, Công ty Việt Á sản xuất và tiêu thụ kit test, với mục đích để Công ty Việt Á được thuận lợi trong việc tiêu thụ kit test, thu lời bất chính, Phan Quốc Việt trực tiếp hoặc chỉ đạo 7 nhân viên phụ trách vùng của Công ty Việt Á liên hệ làm việc và thỏa thuận, thống nhất với lãnh đạo, cán bộ các công ty trung gian hoặc lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế để Công ty Việt Á giao kit test và các thiết bị, vật tư y tế khác cho các đơn vị, cơ sở y tế sử dụng trước. Sau đó thông đồng hợp thức hồ sơ đấu thầu, ký hợp đồng để đơn vị, cơ sở y tế thanh quyết toán, gây thiệt hại hơn 432 tỷ đồng.