Đó là một trong những yêu cầu đối với Cảnh sát biển Việt Nam, được Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh tại Lễ đón nhận Huân chương Chiến công hạng nhất của Cảnh sát biển Việt Nam và Công bố Quyết định đổi tên Cục Cảnh sát biển thành Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, đồng thời kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Cảnh sát biển Việt Nam.
Ngày 28/8/1998, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 1069/QĐ-BQP, thành lập Cục Cảnh sát biển và giao cho Tư lệnh Hải quân giúp Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Bộ Quốc phòng trực tiếp tổ chức, quản lý và điều hành mọi hoạt động. Việc ra đời Cục Cảnh sát biển có ý nghĩa quan trọng, mở đầu cho thời kỳ xây dựng và phát triển một lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt trong quản lý an ninh trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật trên các vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc.
Đến ngày 15/9/2008, Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 2818/QĐ-BQP, bàn giao Cục Cảnh sát biển từ Quân chủng Hải quân về trực thuộc Bộ Quốc phòng, tạo điều kiện cho Cảnh sát biển Việt Nam ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, phù hợp với tổ chức lực lượng cảnh sát biển, phòng vệ biển của các nước trong khu vực và thế giới.
Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, Cảnh sát biển Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng, nổi bật là khả năng sẵn sàng chiến đấu ngày càng hoàn thiện; có đủ điều kiện để tuần tra, kiểm soát trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; có thể hợp tác tìm kiếm cứu nạn ở các vùng biển xa; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn; bảo vệ tài nguyên, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật.
Cảnh sát biển đã tổ chức hàng nghìn lượt tàu thuyền làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các hoạt động kinh tế của ta trên biển; tổ chức 1.837 lượt tàu, xuồng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và đã tiến hành kiểm tra 10.821 lượt tàu thuyền các loại, xử phạt 4.687 chiếc tàu thuyền vi phạm; xua đuổi hàng trăm tàu cá nước ngoài xâm phạm trái phép, đánh bắt trộm hải sản trên vùng biển Việt Nam, trong đó bắt giữ và xử lý vi phạm hành chính hơn 130 chiếc.
Trong đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, Cảnh sát biển đã bắt giữ và xử lý 202 vụ vi phạm, khởi tố 22 vụ hình sự, bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính 180 vụ, thu giữ nhiều tang vật có giá trị; phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành điều tra, khám phá 773 chuyên án, vụ án về ma túy, bắt giữ 1.458 đối tượng; công tác kiểm tra, kiểm soát, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn, bảo vệ tài nguyên, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trên biển ngày càng đạt được nhiều kết quả vững chắc, điển hình là vụ phát hiện, khống chế, bắt giữ 11 tên cướp biển người Inđônêxia cướp tàu chở dầu Za-fi-ra, mang quốc kỳ Malaysia tháng 11/2012, bảo đảm an toàn về người, trang bị, tàu bị cướp cùng 300 tấn dầu nhẹ trên tàu.
Với những thành tích đạt được trong 15 năm qua, Cảnh sát biển Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất; 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì; 2 Huân chương Chiến công hạng Ba; 3 năm được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua và Ban Chỉ đạo 127 Trung ương, Bộ Quốc phòng tặng nhiều phần thưởng.
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung thay mặt Thường vụ Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng, biểu dương những thành tích và sự trưởng thành của Cảnh sát biển trong 15 năm qua. Đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự an toàn và bảo vệ môi trường biển, đảo sẽ tiếp tục đặt ra những nội dung, yêu cầu mới cao hơn và nặng nề hơn.
Do vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam phải luôn xác định rõ vị trí, ý nghĩa của biển, đảo; phải làm hết sức mình để vừa giữ vững được chủ quyền, vừa giữ vững được môi trường hoà bình, ổn định trên biển, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển cần nhận thức sâu sắc rằng, việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định đổi tên Cục Cảnh sát biển thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển là thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, tạo điều kiện cho Cảnh sát biển Việt Nam ngày càng phát triển, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tương xứng với cảnh sát biển các nước trong khu vực.
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung yêu cầu, Cảnh sát biển Việt Nam cần tiếp tục điều chỉnh tổ chức biên chế theo hướng tinh, gọn, cơ động và linh hoạt, đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ; coi trọng và tập trung xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; chú trọng đổi mới nội dung và phương pháp huấn luyện, đào tạo.
Ngoài ra, Cảnh sát biển Việt Nam cần tập trung xây dựng Đảng bộ Cảnh sát biển vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, coi trọng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của các cấp ủy và tổ chức cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ; gắn xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Một nhiệm vụ quan trọng khác của Cảnh sát biển được Thượng tướng Nguyễn Thành Cung nhấn mạnh là tiế́p tục làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng xây dựng mới và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho mọi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Thành Cung đã trao Huân chương Chiến công hạng Nhất tặng Cảnh sát biển Việt Nam.
Tiếp đó, đại diện Văn phòng Bộ Quốc phòng đã công bố Nghị định số 96/2013/NĐ-CP ngày 27/8/2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ. Theo đó, Cục Cảnh sát biển Việt Nam được đổi tên thành Bộ tư lệnh Cảnh sát biển.
Theo Quân đội Nhân dân