Cánh đồng điện gió đầu tư hàng nghìn tỷ đồng... 'nằm bất động’

TPO - “Nếu chứng kiến những cánh đồng điện gió với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng, mỗi tuabin điện gió hơn 150 tỷ đồng nhưng đứng yên trong hơn một năm qua thì mới thấy xót xa thế nào. Các nhà đầu tư đã hoàn thành dự án, đã đóng điện và đã phải thanh toán cho các nhà thầu...” - bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T - nói.

Đề nghị giá bán điện tạm tính chỉ 6,5 cent/kWh

Phát biểu tại hội nghị với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức ngày 20/3, bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T - cho biết, dịch COVID-19 đã để lại một lỗ hổng lớn trong các quy định. Các nhà đầu tư rất ủng hộ chủ trương của Chính phủ trong việc phát triển năng lượng tái tạo tuy nhiên các quy định trong Thông tư 15 và Quyết định 21 của Bộ Công Thương ban hành mới đây đã cho thấy sự không còn ủng hộ với việc phát triển năng lượng tái tạo.

Theo bà Bình, 36 doanh nghiệp đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời trên toàn quốc đã cùng gửi văn bản kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ về khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Các doanh nghiệp cho rằng, khung giá điện được Bộ Công Thương ban hành mới đây chưa phù hợp thực tiễn và “có phần vội vàng” khi các nhà đầu tư trực tiếp bị ảnh hưởng không hề được hỏi ý kiến. Cùng với đó, việc tính khung giá nhưng lại không có đơn vị tư vấn độc lập thẩm định nên không phù hợp với thực tế đầu tư của doanh nghiệp.

Theo bà Bình, hiện 34 dự án chuyển tiếp với tổng công suất hơn 2.090,9 MW (gồm 28 dự án điện gió với tổng công suất 1.638,35 MW và 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62 MWac) đã hoàn tất thi công và hoàn thiện công tác thử nghiệm đảm bảo đủ điều kiện huy động.

“Nếu chứng kiến những cánh đồng điện gió với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng, mỗi tuabin điện gió hơn 150 tỷ đồng, nhưng đứng yên trong hơn một năm qua thì mới thấy xót xa thế nào. Các nhà đầu tư đã hoàn thành dự án, đã đóng điện và đã phải thanh toán cho các nhà thầu, việc không được huy động là một thiệt hại rất lớn cho các nhà đầu tư”, bà Bình nói.

Đại diện T&T Group nêu những bất cập trong quy định về cơ chế giá điện cho dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Theo đại diện T&T Group, các doanh nghiệp đầu tư dự án năng lượng tái tạo kiến nghị Bộ Công Thương cần tính toán lại khung giá điện, trên cơ sở thuê đơn vị tư vấn độc lập. Với EVN, trong thời gian đàm phán giá, cần huy động nguồn từ các dự án điện đã hoàn thành. Mức giá tạm tính có thể bằng 90% giá điện nhập khẩu. Với giá điện nhập khẩu hiện ở mức 6,95 cent/kWh, giá điện tạm tính chỉ khoảng 6,25 cent/kWh (tương đương 1.479 đồng/kWh). Phương án tạm này sẽ được áp dụng cho đến khi Chính phủ có quyết định chính thức về cơ chế giá điện cho các dự án chuyển tiếp.

Đề xuất của bà Bình cũng khá tương đồng với kiến nghị của hàng loạt doanh nghiệp đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp mới đây. Theo các doanh nghiệp, việc Bộ Công Thương bãi bỏ các điều khoản về trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng từ các dự án năng lượng tái tạo đồng nghĩa dự án không còn được ưu tiên trong huy động công suất như trước đây. Từ đó, việc cắt giảm công suất sẽ diễn ra thường xuyên với các dự án điện gió, điện mặt trời là rất cao.

Theo tính toán, nếu cơ chế mới được áp dụng, chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85.000 tỷ đồng trong đó khoảng trên 58.000 tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng. Các doanh nghiệp sẽ có nguy cơ vỡ phương án tài chính, nợ xấu, doanh nghiệp và ngân hàng không thể thu hồi vốn.

Ông Phạm Lê Quang - Giám đốc Phát triển dự án Công ty cổ phần BCG Energy - kiến nghị Bộ Công Thương cho phép các dự án đã được kiểm tra nghiệm thu ngay lập tức được đóng điện, tránh lãng phí xã hội. Bộ Công Thương cần có giải pháp việc nhiều dự án hiện bị rơi vào tình trạng thoả thuận đấu nối hết hạn, sẽ gây khó khăn cho thực hiện thủ tục đàm phán mua bán điện.

Bỏ ngỏ nhiều kiến nghị của doanh nghiệp

Trước những chất vấn của doanh nghiệp tại hội nghị, ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương - cho rằng, các cơ chế ưu đãi trước đây đã được thực hiện trong thời hạn nhất định nên khi hết giá ưu đãi (giá FIT), sẽ phải thực hiện theo cơ chế chuyển tiếp.

Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - trả lời các kiến nghị của nhà đầu tư dự án điện mặt trời đã hoàn thành nhưng không được huy động.

Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - trả lời các kiến nghị của nhà đầu tư dự án điện mặt trời đã hoàn thành nhưng không được huy động.

Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - trả lời các kiến nghị của nhà đầu tư dự án điện mặt trời đã hoàn thành nhưng không được huy động.

Ông Hùng cũng khẳng định, các doanh nghiệp vẫn đang được hưởng các chính sách ưu đãi năng lượng tái tạo như việc vẫn áp dụng thời hạn giá trong 20 năm với điện gió chuyển tiếp.

“Chúng tôi đề nghị EVN hướng dẫn nhà đầu tư quy trình. Trường hợp tài liệu còn thiếu, sẽ cho phép nhà đầu tư tiếp tục bổ sung, tuân thủ đúng quy định pháp luật”, ông Hùng nói. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương không phản hồi trực tiếp những đề xuất của doanh nghiệp liên quan đến việc huy động nguồn điện trong thời gian chờ đàm phán giá.

Chia sẻ những khó khăn của các nhà đầu tư, ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc EVN - cho biết, tập đoàn đã lường trước được câu chuyện, sau giá FIT cần có cơ chế điện chuyển tiếp. EVN tiếp thu tất cả các ý kiến của các nhà đầu tư.

Theo ông Nhân, đề nghị các chủ đầu tư nhanh chóng nộp hồ sơ cho Công ty Mua bán điện. Đến ngày hôm nay, 20/3, mới chỉ có 1/85 chủ đầu tư mới nộp hồ sơ nên các bên cần phải xích lại hợp tác. Tinh thần của EVN sẽ hết sức hợp tác và có gì vướng mắc sẽ báo cáo Bộ Công Thương.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cũng đòi làm rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc hướng dẫn và giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của nhà đầu tư, công bố giá cho các dự án. Cùng với việc đề nghị trả lời về cơ sở pháp lý về việc không huy động các dự án năng lượng tái tạo, các nhà đầu tư cũng đề nghị Bộ Công Thương không được tạo ra các tiêu chí bất lợi cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.