Cánh cửa vẫn mở

TP - Như vậy là thế giới vẫn chưa có được một hiệp ước quốc tế về buôn bán vũ khí thông thường, khi các cuộc thương lượng của Liên Hợp Quốc (LHQ) nhằm đưa ra hiệp ước quốc tế đầu tiên về buôn bán vũ khí thông thường kết thúc ngày 27-7 mà không đạt được thỏa thuận nào sau gần một tháng thảo luận và nhiều năm chuẩn bị.

> Trung Quốc triệt phá 'hàng nóng'

Ý tưởng về một hiệp ước toàn cầu liên quan buôn bán vũ khí được một nhóm nhà khoa học giành giải Nobel đưa ra từ năm 1995, song tới năm 2009, Đại Hội đồng LHQ mới quyết định bắt đầu chuẩn bị triệu tập hội nghị thảo luận vấn đề này.

Các cuộc thương lượng đã được tổ chức một phần nhờ Mỹ, nước buôn bán vũ khí lớn nhất thế giới chiếm 40% lượng vũ khí thông thường được giao dịch toàn cầu, thay đổi chính sách đối với vấn đề này, sau khi ông Barack Obama trở thành tổng thống và quyết định ủng hộ một hiệp ước như vậy.

Nhưng rồi chính Mỹ cũng lại là một phần nguyên nhân dẫn tới bế tắc tại cuộc thương lượng lần này khi nói rằng, không có đủ thời gian cho họ để thông qua và giải quyết những lấn cấn của họ với dự thảo hiệp định.

Hội nghị của LHQ về Hiệp ước mua bán vũ khí diễn ra trong bối cảnh bạo lực đang leo thang tại nhiều nơi trên thế giới như Syria, Mali, Sudan… Theo thống kê của các nhà hoạt động tham dự hội nghị, trung bình mỗi phút trên thế giới có một người thiệt mạng trong xung đột vũ trang.

Điều này cho thấy sự cần thiết phải có một hiệp ước quốc tế nhằm ngăn chặn súng đạn được mua bán phi pháp và tuồn vào các khu vực xung đột.

Chuyên gia độc lập của LHQ về thúc đẩy trật tự quốc tế bình đẳng và dân chủ, ông Alfred de Zayas, nhấn mạnh, thời điểm đã chín muồi để thế giới đạt được một hiệp ước quốc tế mạnh và có hiệu lực cao về hạn chế và điều chỉnh buôn bán vũ khí toàn cầu.

Hòa bình thế giới bị đe dọa không chỉ bởi vũ khí hủy diệt hàng loạt mà cả bởi vũ khí thông thường.

Theo ông, một hiệp ước quốc tế mạnh về buôn bán vũ khí có thể hạn chế sự phổ biến cũng như sử dụng sai mục đích các loại vũ khí thông thường, nhờ đó góp phần to lớn vào hòa bình, an ninh, ổn định ở các khu vực và toàn cầu.

Các cuộc thương lượng đã khép lại, nhưng cánh cửa vẫn mở cho các cuộc thương lượng tiếp theo và một dự thảo hiệp ước buôn bán vũ khí có thể được đưa ra bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ và sẽ được thông qua nếu nhận được sự ủng hộ của hai phần ba trong tổng số 193 nước thành viên LHQ.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi các nước tiếp tục theo đuổi mục tiêu cao cả này để giúp chấm dứt sự chết chóc và thương tật vô ích của con người trong các cuộc xung đột vũ trang.

Theo Báo giấy