Ngày 4/3, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, Công an tỉnh Kon Tum vừa ra thông báo về việc thời gian gần đây, trên các nhóm mạng xã hội Facebook ở Kon Tum xuất hiện tài khoản đăng bài chuyên cung cấp (bán) tiền giả đủ mệnh giá. Đây là hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới.
Theo Công an tỉnh Kon Tum, để chiếm được lòng tin, chủ tài khoản Facebook đưa ra các lời quảng cáo hấp dẫn như: khẳng định nhìn bên ngoài tiền giống 99% tiền thật, chỉ có máy soi mới phát hiện được; giao dịch trực tiếp toàn quốc, nhận hàng giao tiền; khi mua không cần cọc, kiểm tra hàng thoải mái trước khi nhận. Các mệnh giá tiền gồm: 500 nghìn đồng, 200 nghìn đồng, 100 nghìn đồng, 50 nghìn đồng. Tiền được in ra xếp thành từng đống, từng hộp giấy.
Tuy nhiên, phần lớn các tài khoản rao bán tiền giả trên Facebook phần lớn là những tài khoản ảo. Điểm mới so với các thủ đoạn lừa đảo mua bán trước đây là không cần đặt cọc trước, kiểm tra hàng trước khi nhận, giao dịch trực tiếp để lấy sự tin tưởng. Các tài khoản cá nhân trên thực chất không có tiền giả. Đây chỉ là chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, đối tượng sẽ đánh lừa bằng chiêu thức rao bán tiền giả với mức giá hấp dẫn, đánh vào lòng tham của khách hàng.
Tiếp theo, thủ đoạn hoạt động của đối tượng là sau khi nhận được yêu cầu mong muốn mua tiền giả của khách hàng (nhắn tin qua ứng dụng Zalo) thì sẽ hướng dẫn cách trao đổi bằng thẻ game các loại (Vcoi, zing, viangame). Tiếp đến, để khẳng định thẻ game dùng để giao dịch là chưa sử dụng đối tượng yêu cầu khách hàng click vào đường link dẫn đến 1 trang web có nội dung “TRA CỨU TRẠNG THÁI THẺ NẠP” và làm theo hướng dẫn. Ở bước này, khách hàng đã vô tình cung cấp cho đối tượng thông tin quan trọng nhất của thẻ game là số seri, mã thẻ. Ngay sau đó, đối tượng nhanh chóng kích hoạt thẻ, khóa tài khoản Zalo dùng để liên lạc với khách hàng. Đây là hình thức lừa đảo mới, tinh vi, sử dụng công nghệ cao, đánh vào đúng tâm lý của người mua hàng.