Hôm 14/2, một vụ đánh bom tự sát khiến ít nhất 40 lính Ấn Độ trong đoàn hộ tống thiệt mạng khi đi qua Kashmir, khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Nhóm phiên quân Jaish-e-Mohammed ở Pakistan nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công này. Ấn Độ đáp trả bằng cuộc không kích nước láng giềng – vụ tấn công đầu tiên trong gần 50 năm qua. Và Pakistan nói rằng họ đã bắn rơi 2 máy bay quân sự của Ấn Độ và bắt được 1 phi công.
Vụ đối đầu giữa hai quốc gia này chứng kiến nhiều hoạt động giao tranh quân sự trên khu vực biên giới ở Kashmir. Hôm qua, Pakistan nói rằng 4 thường dân của họ đã thiệt mạng vì quân Ấn Độ pháo kích qua biên giới. Đáp lại, Ấn Độ cáo buộc Pakistan châm ngòi vụ xung đột.
Pakistan hôm nay nói rằng sẽ thả phi công này như một “cử chỉ hòa bình”, và đề xuất các biện pháp tháo ngòi căng thẳng giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Dẫu vậy, các quan chức Ấn Độ cho đến nay vẫn cảnh giác. Hôm qua, Tư lệnh lục quân Ấn Độ Surinder Singh Bahal nói tại một cuộc họp báo rằng Ấn Độ vẫn “đề phòng mức độ cao” và đã “chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bất kỳ động thái khiêu khích nào của Pakistan”.
Trong bối cảnh khủng hoảng, hai bên đưa ra những lý giải khác nhau về tình hình ở Kashmir.
Hôm 28/2, Pakistan nói rằng không quân của họ bắn rơi 2 máy bay Ấn Độ. Ấn Độ xác nhận mất 1 máy bay và cáo buộc Pakistan “đưa ra thông tin không chính xác” về việc bắn rơi máy bay và cố tình tấn công các cơ sở quân sự. Pakistan nói rằng họ thả vũ khí trên không phận mở và ở nơi không có con người hay cơ sở quân sự.
Trước tình hình này, các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ to lớn nếu một trong hai nước sử dụng kho vũ khí hạt nhân của họ.
Một vụ xung đột quân sự cấp khu vực cũng đủ gây lo ngại, nhưng các nhà khoa học cảnh báo nếu một trong hai nước chỉ sử dụng một phần vũ khí hạt nhân của họ sẽ gây ra một thảm họa nhân đạo và môi trường toàn cầu.
Pakistan và Ấn Độ sở hữu khoảng 140-150 vũ khí hạt nhân. Dù xung đột hạt nhân khó có thể xảy ra, các nhà lãnh đạo Pakistan nói rằng họ đang chuẩn bị cho “mọi tình hình”. Nước này cũng đã tập hợp một nhóm chịu trách nhiệm ra quyết định về tấn công hạt nhân.
Các vụ nổ dù chỉ xảy ra ở quy mô địa phương nhưng sẽ gây tác động toàn cầu. Theo các nhà khoa học, tầng ozone có thể bị phá hỏng và khí hậu Trái đất có thể mát đi trong nhiều năm, gây thất bát mùa màng và thủy hải sản. Các nhà khoa học gọi đây là “nạn đói hạt nhân toàn cầu”.
“Thảm họa mùa đông hạt nhân không được hiểu đầy đủ, đối với cả các nhà làm chính sách và người dân. Tác động của nó lớn đến mức chúng ta thấy vũ khí hạt nhân hầu hết đều không được sử dụng vì những tác động toàn cầu”, ông Michael Mills, nhà nghiên cứu tại Trung tâm khí quyển Mỹ, cho biết.