Cẩn trọng khi tắm lá làm đẹp da

Do thời tiết quá nóng, nhiều chị em đổ xô mua các loại thảo dược về nấu tắm với mục đích làm cho làn da mát mẻ, mịn màng… Tuy vậy, cần thận trọng vì đôi khi lợi bất cập hại.
Ảnh minh họa: internet

Một số spa tại TP.HCM hiện đang có dịch vụ tắm lá thuốc theo cách của người Dao đỏ. Theo quảng cáo của các nhân viên spa, “loại nước tắm này sẽ giúp tăng cường sức khỏe, ngủ sâu, đào thải chất độc trong cơ thể qua tuyến mồ hôi, giúp da mịn màng. Đặc biệt vào những ngày nắng nóng, tắm loại nước lá thuốc này không chỉ mát da mà còn mát cả bên trong cơ thể”.

Thuốc có hai loại, loại lá đóng gói và loại nước. Khi tắm chỉ cần ngâm trong nước thuốc khoảng 15-20 phút tùy theo thể trạng, khi nào thấy mồ hôi toát ra, người lâng lâng thì dừng tắm. Sau đó dùng khăn lau khô, không tắm lại với nước thường.

Ngoài ra, nhiều chị em dùng lá chanh, bưởi, hạt hoặc lá mùi tươi, một số loài hoa… đun lên tắm. Trời nắng nóng, trẻ dễ bị rôm sảy, mụn nhọt, các bà mẹ đã dùng lá trà xanh, dâu tằm, ngải cứu, cỏ mực, kinh giới, rau chân vịt… để tắm hàng ngày cho trẻ thay nước thường với mục đích bảo vệ da trẻ khỏi vi khuẩn.

BS Trần Văn Năm - Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cho biết, tắm lá thuốc và một số loài hoa cũng là một trong những phương pháp chữa bệnh nhờ tác động lên cơ thể qua hệ thần kinh, mạch bạch huyết và mạch máu dưới da. Hơi nóng của nước có chứa các thành phần của các loại lá, hoa có tác dụng làm giãn mạch toàn thân hay tại chỗ, thúc đẩy tuần hoàn máu, cải thiện khả năng bài tiết của da, có tác dụng sát khuẩn, kháng viêm, giảm đau… giúp chữa các bệnh lý về da và một số bệnh lý nội khoa như: viêm - thoái hóa khớp mạn tính, mất ngủ, đau mỏi cơ…

Tuy nhiên, những người bị tăng huyết áp, bệnh mạch vành, giãn tĩnh mạch chi dưới, phụ nữ đang hành kinh, người có cơ địa dị ứng, bệnh da nhiễm trùng, trẻ quá nhỏ… không nên tắm lá với nhiệt độ cao hoặc quá lâu.

Khi tắm, cần lưu ý: không tắm khi cơ thể bị trầy xước, nhất là trẻ nhỏ. Không tắm khi vừa ăn no vì làm giãn mạch máu dưới da, dễ thiếu máu ở nội tạng, dẫn đến tiêu hóa kém, chóng mặt, tim đập nhanh. Nhiệt độ nước tắm tốt nhất khoảng 380C. Tắm xong cần lau khô, tránh nơi gió lùa, nằm nghỉ ngơi, không nên uống nước quá lạnh ngay sau khi tắm nước nóng.

“Để phòng tránh những tác dụng không mong muốn, trước khi tắm lá, hoa, cần xem lại mình đang có những bệnh lý kể trên hay không hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ để có hướng dẫn cụ thể xem loại lá, hoa gì phù hợp. Không nên tự ý lựa chọn loại cây, lá qua mách bảo” - BS Trần Văn Năm khuyến cáo.

Theo Thanh Hoa

Theo Theo Phunuonline