Ngày 23/12, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch TP. Cần Thơ tổng kết hoạt động du lịch năm 2023, đề ra nhiệm vụ năm 2024.
Theo báo cáo, năm nay Cần Thơ đón gần 6 triệu lượt khách du lịch, đạt 115% kế hoạch và tăng 17% so với năm 2022. Trong đó, khách lưu trú gần 3 triệu lượt (tăng 19% so với năm 2022). Doanh thu du lịch đạt hơn 5.400 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2022.
Thành phố cũng đang hướng đến việc xây dựng mỗi xã một sản phẩm (OCOP) kết hợp với tham quan du lịch, nhiều mô hình du lịch sinh thái phát triển, góp phần giới thiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho các cơ sở kinh doanh sản phẩm OCOP và tăng chi tiêu của khách du lịch…
Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo phát triển du lịch thành phố Cần Thơ, việc đầu tư ngân sách cho các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch còn rất hạn chế so với các địa phương trong vùng và các địa phương trọng điểm du lịch khác.
Sản phẩm du lịch có đổi mới, nâng chất nhưng chưa thực sự hấp dẫn và chưa tạo được sự khác biệt; khả năng cạnh tranh chưa cao, nhất là sản phẩm, dịch vụ về du lịch nông nghiệp; du lịch đường sông chưa khai thác và phát huy được thế mạnh; chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc thù, đặc trưng của Cần Thơ để quảng bá đến khách du lịch.
Việc khai thác các đường bay tại Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ vẫn còn hạn chế về công suất. Hiện chỉ có 6 đường bay nội địa và 1 đường bay quốc tế đang hoạt động. So với năm 2019, các hãng bay đã tạm dừng 6 đường bay nội địa…
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - cho biết, thành phố chưa thu hút được nhà đầu tư vào các dự án du lịch quy mô đã được phê duyệt; hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch còn hạn chế; các bến tàu phục vụ khách chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng phục vụ.
Công tác bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng, phát triển các khu, điểm du lịch đặc trưng, các hoạt động, dịch vụ kinh tế đêm… có bước phát triển nhưng chưa đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm, trải nghiệm của du khách…
Theo ông Hiện, thành phố đang phấn đấu đến năm 2025 ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là điểm đến hấp dẫn trong khu vực và cả nước; phấn đấu đến năm 2030 thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP của thành phố.
Để thực hiện mục tiêu này, ông Hiện yêu cầu xây dựng, đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm; góp phần đa dạng hóa dịch vụ, sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú. Phấn đấu xây dựng được 1 tuyến du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch đặc trưng vào khai thác; phấn đấu năm 2024 có ít nhất 1 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch được triển khai.
Các sở ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý điểm đến; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh du lịch; kiên quyết xử lý các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm, từng bước đưa hoạt động du lịch văn minh, nề nếp và chuyên nghiệp.
TP. Cần Thơ hiện có 636 cơ sở lưu trú, trong đó có 131 khách sạn từ 1-5 sao; gần 500 nhà khách, nhà nghỉ quy mô nhỏ, homestay…; với tổng số 10.500 phòng lưu trú, công suất phòng bình quân đạt 60%. Thành phố có 74 doanh nghiệp lữ hành; 34 khu, điểm, vườn tham quan du lịch…