Cần sớm có 'bệnh viện' cho cổ vật

TP - Đó là đề xuất của một số chuyên gia nhân cuộc đánh giá quá trình sáu năm hợp tác bảo tồn cổ vật với Quỹ Sumitomo Nhật Bản.
Chuyên gia phục dựng cánh cửa chùa Phổ Minh

Nguy cơ phá hủy

TS. Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đánh giá nguy cơ của nhiều hiện vật quý hiện nay chưa tới mức độ phá hủy không thể cứu vãn, tuy nhiên hư hại khá nhiều. Ông Cường lấy ví dụ mộ thuyền cổ khai quật được ở Hà Nam rất quý giá, khi mới khai quật hiện trạng rất tốt nhưng tới nay cũng có hiện tượng mủn ra. 

Ông Cường kể về niềm mơ ước khi chứng kiến Trung Quốc có những chiếc xe chuyên dụng trị giá hàng triệu USD để bảo quản hiện vật ngay từ lúc đưa từ hố khảo cổ lên. Khi chuyên gia bảo tàng sang Hàn Quốc kết hợp khai quật tàu đắm ở biển, họ có sẵn con tàu có nhiều buồng bảo quản tức khắc, bởi có nhiều hiện vật ngâm dưới biển không sao nhưng rời khỏi đáy biển sẽ bị phá hủy. Nhiều hiện vật khảo cổ ở Việt Nam hiện được bảo quản khá thô sơ.

Hiện vật lưu giữ tại các bảo tàng chưa tới mức hư hỏng quá nặng, nhưng tại nhiều di tích, vô số hiện vật ở mức đáng báo động. TS. Phạm Quốc Quân, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, ủy viên Hội đồng di sản quốc gia nhắc tới tượng nhục thân hai thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường-hiện vật tượng táng giờ có nhiều dấu hiệu hư hại, muốn phục dựng rất tốn kém, đòi hỏi trình độ cao về khoa học kỹ thuật. Đó chỉ là một trong vô vàn hiện vật quý ở hàng nghìn di tích trải dài trong cả nước ngày ngày đối mặt nguy cơ vĩnh viễn tan biến. Mới đây, hàng nghìn hiện vật ở bảo tàng Nghệ An nguy cơ hư hại vì kho chứa chật hẹp, chưa được bảo quản đúng mức.

“Nhiều hiện vật bằng giấy được ghi bằng mực- những văn bản nhà nước dù tuổi đời chỉ vài chục năm nhưng đang là vấn đề trong công tác bảo quản. Rồi hiện vật gỗ, vải như sắc phong đã mục nát rất nhiều”, TS. Phạm Quốc Quân nói. Quỹ hỗ trợ Sumitomo Nhật Bản hợp tác với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phục chế cánh cửa gần như bị phá hủy hoàn toàn ở chùa Phổ Minh, bức tranh chùa Hàm Long và tượng phật quý thế kỷ 13 từ Nhật. TS. Nguyễn Văn Cường đánh giá cao sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật, tuy nhiên bảo tàng có hàng trăm sắc phong, con số hàng nghìn sắc phong trên cả nước không thể trông chờ mãi vào sự hỗ trợ từ các quỹ nước ngoài. Hà Nội mới đây có cuộc khảo sát đánh giá tài liệu quý hiếm ở bảo tàng, nhiều sắc phong cũng ở mức báo động.

Ngóng bệnh viện cổ vật

Bảo quản hiện vật đương nhiên là khâu không thể thiếu trong hoạt động của mỗi bảo tàng tuy nhiên hiện nay nhiều nơi mới dừng mức độ thấp nhất. Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nhắc lại việc cần thiết có một bệnh viện cổ vật, nhất là sau quá trình chứng kiến không ít hiện vật dần rơi vào tình trạng nguy hại. “Ở các nước, tài sản văn hóa của họ được bảo quản tốt, giữ gìn và kéo dài tuổi rất lâu. Mỗi hiện vật quý là thông điệp của lịch sử thậm chí tuyệt tác như hội họa, kiến trúc, tổ tiên truyền trao lại cho các thế hệ. Cha ông ta từ xưa thực hiện công tác bảo quản tại đình chùa miếu mạo, sau này các bảo tàng cũng tiếp nối tuy nhiên vẫn ở mức độ sơ khai thôi”, ông Cường nói. 

Đây không phải lần đầu các chuyên gia đưa ý tưởng về bệnh viện cứu chữa cổ vật. TS. Phạm Quốc Quân cho biết nhiều năm trước từng có đề xuất về bệnh viện đặt ở ba miền, nhưng đến nay chưa có bước tiến mới. Thời ông Quân làm giám đốc bảo tàng, ông kết hợp với các chuyên gia Bỉ và cộng đồng nói tiếng Pháp xây dựng một phòng bảo quản với trang thiết bị tương đối tân tiến, tuy nhiên con người thì lại có hạn. Bảo tàng Lịch sử quốc gia từng tu sửa, bảo quản thành công nhiều sưu tập tài liệu, hiện vật chất liệu giấy, gốm và kim loại.

Bức tượng phật Nhật Bản thế kỷ 13 sau quá trình phục hồi

TS. Nguyễn Văn Cường nhắc tới đề tài nghiên cứu ứng dụng Benzotriazol trong việc ức chế bề mặt đồ đồng Đông Sơn. Thành công này có thể đặt nấc thang ban đầu trong việc bảo tồn hiện vật ở Việt Nam.

Ông Phạm Quốc Quân kể từng đến thăm Trung tâm bảo quản một bảo tàng ở Pháp đặt ngay tại chuồng ngựa trong cung điện Versailles. Hai cán bộ nữ kể họ mất hàng năm trời để bảo quản một bức tượng thế kỷ thứ 17 đặt trên tòa lâu đài Pháp. Với bức tượng mất chân tay, nhiệm vụ của họ đơn giản là tẩy bỏ từng lớp sơn qua các thời kỳ khác nhau để trả lại lớp sơn ban đầu, với kinh phí lên tới 100 nghìn USD. 

Phân tích ý tưởng bệnh viện cổ vật chưa thể thành hiện thực, TS. Phạm Quốc Quân nói rằng có thể thời điểm khi ấy chưa thực sự chín muồi, thứ hai là khó khăn về kinh phí và quan trọng nhất là nhận thức thời điểm đó chưa đủ nhìn nhận đó là yêu cầu bức thiết đối với bảo quản hiện vật. “Chính những điều này gây chậm trễ, tuy nhiên tới lúc này tôi mong muốn mô hình này phải trở thành hiện thực, tạo ra sự đột phá trong công tác bảo quản ở Việt Nam”, ông Quân nói. 

“Chúng ta cần đặt vấn đề về thay đổi môi trường, cách thức bảo quản và phân loại các loại bảo tồn thường xuyên, bảo tồn cấp thiết và thậm chí đi tới phục chế”, TS. Nguyễn Văn Cường nói. Khó khăn nhất đối với ý tưởng hình thành bệnh viện cứu chữa cổ vật là kinh phí hoạt động. Người Việt không tiếc tiền công đức xây dựng, bảo tồn di tích tâm linh nhưng xã hội hóa bảo quản hiện vật không mấy dễ dàng.

Đây không phải lần đầu các chuyên gia đưa ý tưởng về bệnh viện cứu chữa cổ vật. TS. Phạm Quốc Quân cho biết nhiều năm trước từng có đề xuất về bệnh viện đặt ở ba miền, nhưng đến nay chưa có bước tiến mới. Thời ông Quân làm giám đốc bảo tàng, ông kết hợp với các chuyên gia Bỉ và cộng đồng nói tiếng Pháp xây dựng một phòng bảo quản với trang thiết bị tương đối tân tiến, tuy nhiên con người thì lại có hạn.

Minh chứng cho sự tốn kém khi bảo quản và tu bổ hiện vật, TS. Nguyễn Văn Cường nhắc đến mức kinh phí hỗ trợ từ Nhật Bản cho việc bảo quản, phục dựng ba hiện vật ở Việt Nam trị giá gần 5 tỷ đồng. Trong đó quá trình tu sửa và phục dựng hai cánh cửa chùa Phổ Minh trong khu di tích đền Trần kéo dài trong ba năm, tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng. Bức tượng Nhật Bản từ thế kỷ 13 nằm trong bộ sưu tập Bảo tàng Quốc gia Tokyo- được trao đổi với phía Việt Nam cũng được bảo quản với kinh phí 1,6 tỷ đồng, và bức tranh sơn ở chùa Hàm Long.