“Đặt hàng” thuốc phòng chống
Đoàn giám sát của Quốc hội vừa có phiên làm việc với Chính phủ và các bộ, ngành về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em. Tại buổi giám sát, bà đã đề nghị áp dụng biện pháp tiêm thuốc để triệt tiêu ý nghĩ xâm hại phụ nữ, trẻ em của những kẻ biến thái. Những nước nào đang áp dụng giải pháp này, thưa bà?
Tôi chưa có điều kiện được tìm hiểu sâu về vấn đề này nhưng thông tin trên các phương tiện truyền thông cho thấy nhiều nước đã có các hình phạt nghiêm khắc cho kẻ biến thái xâm hại phụ nữ, trẻ em. Ví dụ, ở Mỹ, 48 bang có luật chống dâm ô: Bất cứ ai chạm vào bộ phận nhạy cảm của người khác và nếu việc tiếp xúc này trái với mong muốn của người bị chạm vào và vì mục đích kích thích tình dục, thỏa mãn tình dục hay xâm phạm tình dục, là phạm tội dâm ô.
Đối với tội lạm dụng tình dục trẻ em thì khung hình phạt hình sự từ bỏ tù, nộp phạt, ghi nhận là một kẻ tấn công tình dục, giới hạn đi lại... Còn ở Pháp, một người có hành vi xâm hại tình dục trẻ em dưới 15 tuổi có thể bị tù 20 năm. Ở Đan Mạch, người có hành vi tình dục với trẻ dưới 15 tuổi có thể bị tù đến 8 năm, nếu có yếu tố đe dọa, mức hình phạt sẽ là 12 năm tù…
Tôi đề nghị pháp luật của chúng ta cần bổ sung những quy định về việc này để các cơ quan hữu quan chú ý nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, góp phần hoàn thiện pháp luật phòng chống xâm hại trẻ em ở Việt Nam những năm tới.
Theo bà, giải pháp này có mang lại hiệu quả cho chúng ta không và nên giao cho bộ nào, ngành nào thực hiện?
Tôi tin nếu chúng ta áp dụng biện pháp, hình phạt nghiêm khắc này trước hết đối với những kẻ biến thái xâm hại phụ nữ, trẻ em thì không chỉ trừng phạt thích đáng đối với kẻ đó, mà còn có tác dụng giáo dục, răn đe những kẻ khác có ý định xấu và góp phần phòng ngừa chung trong xã hội.
Còn việc giao cho ngành nào, đơn vị nào thì Chính phủ sẽ quy định. Theo tôi, cần giao cho Bộ Y tế, Bộ KH&CN, Bộ Công an, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ phối hợp thực hiện và đặt hàng các nhà khoa học ở các viện, trường nghiên cứu tìm ra loại thuốc để có thể sớm phòng chống loại tội phạm này.
Cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia
Ngoài tiêm thuốc, liệu chúng ta có nên công khai rộng rãi danh tính đối tượng biến thái để răn đe, phòng ngừa?
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia trong các lĩnh vực, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật dùng chung, bảo đảm tính liên thông, kết nối, chia sẻ thông tin là rất cần thiết. Hiện mới chỉ có 6 lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em chưa được quan tâm xây dựng. Vì vậy tôi rất mong thời gian tới Chính phủ cần ưu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia trong lĩnh vực này, để công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em được các cơ quan, tổ chức, gia đình và toàn xã hội quan tâm hơn.
Nếu có cơ sở dữ liệu quốc gia về vấn đề này thì có sự kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin hình ảnh và hành vi của kẻ biến thái xâm hại phụ nữ và trẻ em, sẽ được người dân trong nước và quốc tế đều biết để tránh xa kẻ đó. Đồng thời, pháp luật hình sự hiện hành cũng cần sớm phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những quy định nêu trên và phải bảo đảm quyền riêng tư của các nạn nhân.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp xâm hại trẻ em xảy ra nhưng vẫn để lọt tội phạm. Phải chăng do đối tượng chạy tội, có sự thỏa thuận với gia đình nạn nhân, hay vì luật pháp khó chứng minh để kết án với loại tội phạm này, thưa bà?
Thực tế việc xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em vừa qua ở nhiều địa phương chưa bảo đảm nghiêm minh, vì nhiều nguyên nhân, nên vẫn xảy ra bỏ lọt tội phạm. Tôi nghĩ rằng, cần phải có giải pháp tổng thể, tập trung quyết liệt vào các vấn đề. Thứ nhất, Trung ương Đảng cần có nghị quyết riêng về bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em trong tình hình hiện nay, sau khi Quốc hội có giám sát tối cao về vấn đề này.
Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ cần phải thể chế hóa Nghị quyết của Đảng trong công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong công tác lập pháp, quản lý điều hành và giám sát của các cơ quan, tổ chức hữu quan và mọi công dân trong công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em.
Thứ hai, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong xây dựng pháp luật nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em trong pháp luật hiện hành.
Các cơ quan tư pháp Trung ương cần quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Có biện pháp buộc thôi việc và xử lý hình sự những người trong ngành hoặc tham gia tố tụng có hành vi vi phạm pháp luật, bỏ lọt tội phạm trong công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em.
Vừa qua, tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội về một số địa phương, chúng tôi cùng lãnh đạo các địa phương cùng nghiêm túc xem xét trách nhiệm các cơ quan trên cơ sở các báo cáo, cùng xót xa mà thấm thía câu nói “Tiền nhiều để làm gì, giàu có để làm gì khi mà trẻ em của chúng ta bị bạo hành, bị xâm hại như thế này?”. Hy vọng sau đợt giám sát tối cao của Quốc hội lần này, mỗi người chúng ta thấy rõ trách nhiệm hơn trên cương vị công tác hoặc vị trí của mình để chủ động, tích cực hơn trong công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em.
Cảm ơn bà!