Cần đánh giá kỹ thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá

Nhiều ý kiến lo ngại, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thuốc lá tăng sốc và không có lộ trình hợp lý sẽ khiến sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm đột ngột, các doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, đóng cửa, để lại nhiều hệ lụy cho toàn bộ chuỗi cung ứng và xã hội.

Đánh giá tác động xã hội và tránh gây sốc cho doanh nghiệp

Ngày 01/8, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Tại hội thảo này, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có ảnh hưởng tới nhiều ngành hàng, doanh nghiệp; do vậy cần đánh giá tác động và xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp, tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp, hạn chế xáo trộn tới việc làm của người lao động.

Đại diện Bộ Nội vụ cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động xã hội đối với các chính sách mới, nhất là về căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt, tránh gây áp lực, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân; bảo đảm hài hòa hoạt động cũng như doanh thu của các mặt hàng chịu tác động với mục tiêu của chính sách.

Về phía các hiệp hội có sản phẩm thuộc đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật, đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho rằng nếu mức thuế áp dụng với thuốc lá điếu tăng đột ngột và lớn như dự thảo Luật (từ năm 2026 là 2.000-5.000/bao và 10.000/bao vào năm 2030) sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành thuốc lá ở nhiều khía cạnh như: giá bán xuất xưởng, giá bán lẻ, gói chi tiêu của người tiêu dùng, an sinh xã hội, việc làm của người dân trồng thuốc lá và người lao động trong cơ sở phân phối thuốc lá. Với mức thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao như vậy cũng sẽ khiến người sử dụng chuyển sang sử dụng thuốc lá lậu và các loại hình thuốc lá khác. Vì vậy, để hạn chế các tiêu cực xảy ra, đồng chí đề xuất phương án tính thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá là 1.000/bao từ năm 2026-2028 và 3.000/bao vào năm 2030.

Trước đó, tại Hội thảo “Thuế Tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm thuốc lá” do Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) tổ chức tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) bày tỏ sự ủng hộ đối với việc áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp, nhưng lưu ý rằng cần lựa chọn phương án tối ưu nhất, tránh gây tình trạng gây sốc thị trường dẫn đến hậu quả là không đạt được mục tiêu Bộ Tài chính và Chính phủ đã đề ra.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam nêu rõ quan điểm, cần lựa chọn phương án tối ưu nhất, tránh gây tình trạng gây sốc thị trường dẫn đến hậu quả khó lường.

Theo bà Cúc, tăng sốc thuế thì người hút thuốc lá sẽ chuyển từ thuốc lá hợp pháp sang thuốc lá lậu, từ đó không chỉ gây thất thu ngân sách Nhà nước mà còn làm tăng rủi ro sức khỏe cho người hút thuốc do thuốc lá lậu không được kiểm soát chất lượng, khiến mặt trận phòng chống thuốc lá lậu trở nên thách thức, phức tạp hơn và những yếu tố này sẽ ảnh hưởng ngược lại mục tiêu của việc xây dựng Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt đưa ra.

Thuốc lá lậu lâu nay không phải chịu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và nhiều loại thuế, phí khác nên luôn được bán ở mức giá cạnh tranh nhưng vẫn thu về lợi nhuận lớn, nay được hưởng thêm lợi thế là thuế tăng cao và đột ngột từ 2026 theo phương án Bộ Tài chính đưa ra thì sẽ đẩy sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm sâu, ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc lá hợp pháp, kéo theo hàng chục nghìn người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất và các nhà phân phối mất việc làm, ảnh hưởng kế sinh nhai của hàng chục nghìn hộ nông dân tại vùng trồng nguyên liệu và hàng triệu điểm bán lẻ trên toàn quốc.

Các mô hình đánh giá tác động của việc tăng thuế

Bài học từ các quốc gia phát triển trên thế giới về việc tăng thuế sốc dẫn đến những hệ lụy đến nay vẫn chưa khắc phục được.

Tại hội thảo, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam đã trình bày kịch bản có thể xảy ra khi thuế TTĐB thuốc lá tăng quá nhanh tại Việt Nam theo các phương án mà Bộ Tài chính đề xuất. Theo đó, sản lượng thuốc lá hợp pháp có thể sẽ giảm hơn 70% vào năm 2030 so với hiện tại, thuốc lá lậu có thể tăng lên 50 tỷ điếu vào năm 2030, thất thu từ thuốc lá lậu có thể lên đến 40 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 so với mức 5-6 nghìn tỷ đồng hiện tại. Hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, và rủi ro nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa tương tự như tại Malaysia, kéo theo việc làm của người lao động tại các nhà máy thuốc lá, nông dân ở các vùng trồng nguyên liệu và các nhà bán lẻ, bán buôn chịu tác động tiêu cực.

Phương án của Bộ Tài chính thuế tiêu thụ đặc biệt cho sản phẩm thuốc lá sẽ tăng thêm khoảng 200% sau 5 năm dẫn tới tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá tăng từ 36% (năm 2024) lên 59,4% (2030) khiến việc tiêu thụ các mặt hàng này trở nên đắt hơn, dẫn đến giảm lượng sử dụng thuốc lá. Tuy nhiên liệu kỳ vọng này có đạt được không?

Lãnh đạo PwC Việt Nam cho biết thêm thị phần thuốc lá lậu trên toàn thế giới hiện là 11,6%. Theo ước tính của ngành thì thị phần thuốc lá lậu cao hơn khoảng 2-3 lần. Tổng mức tiêu thụ thuốc lá trên toàn thế giới có xu hướng giảm, tuy nhiên sản lượng tiêu thụ của thị trường bất hợp pháp vẫn ổn định theo thời gian.

Mô hình đánh giá tác động của việc điều chỉnh thuế TTĐB đối với thuốc lá của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Theo đó, ở cả 2 phương án tăng thuế của Bộ Tài chính, tổng lượng tiêu thụ thuốc lá sẽ giảm khoảng 7% vào năm 2030. Sản lượng thuốc lá hợp pháp ở cả 2 phương án đều giảm mạnh vào năm 2030: thuốc lá hợp pháp giảm 30% ở phương án 1 (tương đương giảm 28 tỷ điếu) và giảm 36% ở phương án 2 (khoảng 31 tỷ điếu) so với năm 2025 trước khi tăng thuế. Điều này sẽ gây ra thiệt hại nặng nề cho ngành thuốc lá, các doanh nghiệp có thể phá sản trong thời gian ngắn khi doanh thu sụt giảm khoảng 32%-35%.

ThS Tô Kim Huệ, đại diện Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính chia sẻ về kết quả nghiên cứu, lượng thuốc lá lậu sẽ tăng mạnh nếu như áp dụng mức tăng “sốc”.

Ngược lại, lượng thuốc lá lậu sẽ tăng mạnh ở cả 2 phương án tăng thuế mà Bộ Tài chính đề xuất. Đến năm 2030, thuốc lá lậu có thể sẽ tăng 205% ở phương án 1 (khoảng 22 tỷ điếu) và tăng 230% ở phương án 2 (tương đương 24 tỷ điếu) so với 2025.

Như vậy, từ các mô hình đánh giá tác động của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) và PwC Việt Nam cho thấy có mối liên hệ rõ ràng giữa việc tăng sốc thuế với tình trạng tăng thuốc lá lậu và việc giảm nguồn thu từ thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá.

Các chuyên gia tại Hội thảo cũng khuyến cáo Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế khi tăng thuế TTĐB để hài hòa nhiều mục tiêu khác nhau, song song với việc thực hiện đồng bộ và nâng cao các biện pháp quản lý Nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thuốc lá lậu.