ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công Thương TPHCM, cho hay, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam là đơn vị chính thức và duy nhất đến thời điểm này cung cấp các khoản vay cho sinh viên mồ côi; đến từ các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hoặc gặp khó khăn tài chính do các tình huống bất ngờ như thiên tai hoặc vấn đề sức khỏe.
Sinh viên đủ điều kiện có thể vay tối đa 4 triệu đồng mỗi tháng, với mức vay cụ thể được điều chỉnh dựa trên học phí và chi phí sinh hoạt theo từng khu vực. Các ngân hàng thương mại cổ phần khác chưa tham gia vào thị trường đặc biệt này vì khá nhiều nguyên nhân do những hạn chế về mặt chính sách.
Theo ông Sơn, Việt Nam có thể học hỏi từ các quốc gia khác trong việc cải tiến hệ thống giám sát và thu hồi nợ, cũng như trong việc áp dụng các công nghệ số để quản lý rủi ro hiệu quả hơn. Tại Singapore, Chính phủ cung cấp chương trình vay học phí tối đa 90% cho sinh viên ĐH tại các trường công lập.
Lãi suất chỉ bắt đầu tính sau khi sinh viên tốt nghiệp, với mức lãi suất dao động khoảng 4-5%. Mô hình của Malaysia là Quỹ hỗ trợ học phí quốc gia cung cấp các khoản vay cho sinh viên bậc ĐH và sau ĐH với lãi suất thấp 1-3%/năm phụ thuộc vào chương trình vay, loại hình giáo dục và có thể trả sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt là sinh viên đạt thành tích cao có thể được miễn hoặc giảm nợ.
Theo ông Sơn, quỹ tín dụng phải hướng đến tất cả những sinh viên có nhu cầu. Vì dù gia đình có điều kiện hay không thì sinh viên vẫn là đối tượng chưa có thu nhập nhưng cần có tài chính để đi học.
Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, trong bối cảnh tự chủ ĐH hiện nay, một vấn đề cần đưa vào danh mục phải giải quyết ở cấp quản lí cao là tín dụng cho sinh viên. Tỉ trọng sinh viên nộp học phí dựa trên tín dụng cho sinh viên hiện nay rất thấp. Tín dụng cho sinh viên chưa trở thành một khoản tạm gọi là đầu tư cho tương lai. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để giải quyết vấn đề này.