Anh Võ Ngọc Sơn chăm sóc dế. - Ảnh: Hòa Hội
Đó là trang trại của anh Võ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Chợ Mới (An Giang). Anh Sơn năm nay 32 tuổi, là con thứ 2 trong gia đình 3 anh em ở ấp Long Bình, xã Long Điền A. Năm 2012, anh Sơn tốt nghiệp đại học chuyên ngành Giáo dục Sư phạm Chính trị rồi đi làm bên ngoài một thời gian. Sau đó xin về công tác ở huyện Đoàn cho đến nay.
Chợ Mới là huyện cù lao nằm giữa sông Tiền và sông Hậu. Hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 90.000 thanh niên, tuy nhiên khoảng 60 -70% rời quê đi làm thuê xa ở TPHCM, Bình Dương do không có việc làm ổn định. Anh Sơn cho biết, muốn tập hợp hay vận động thanh niên lập thân, lập nghiệp thì trước hết cán bộ đoàn cần phải làm gương, chủ mô hình kinh tế, có thế thì mới dễ nói chuyện với thanh niên.
3 năm trước, anh lên mạng nghiên cứu kỹ thuật rồi mua 2 ổ trứng dế mè thái vàng về nuôi và nhân giống đến giờ. Đến nay anh có 25 chuồng, mỗi chuồng tích từ 2 - 6m2.
Hiện tại mỗi ngày anh bán 5 -10 kg dế với giá trung bình dao động từ 70.000 - 80.000 đồng, trừ chi phí thức ăn khoảng 150.000 đồng, thì còn lãi trên dưới 400.000 đồng/ngày. "Bây giờ không phải lo lắng về đầu ra bởi vì thương lái đặt hàng nhiều, không đủ giao. Hơn nữa, tôi không bán 1 mặt hàng mà sản xuất đa dạng để không phụ thuộc vào một đầu ra", anh Sơn nói. Hiện tại anh bán dế đông lạnh (dùng để chế biến thức ăn) dế chim cảnh và trứng.
Trong thời gian tới, anh có ý tưởng sẽ sản xuất theo quy trình khép kín từ sản xuất con giống đến thương phẩm rồi sử dụng phân hữu cơ của dế để trồng cây kiểng, rau sạch. Ngoài ra, anh còn hỗ trợ kỹ thuật, con giống và kể cả bao tiêu đầu ra cho thanh niên địa phương có nhu cầu nuôi dế. Anh Sơn cho rằng, với thu nhập như hiện tại thì ở quê làm chủ sẽ sướng hơn đi xa làm thuê, bởi vì trừ chi phí cũng chẳng dư được bao nhiêu.