Cách trung tâm huyện Vân Đồn chừng 35km, đảo Bánh Sữa nằm ở vị trí đắc địa giữa vịnh Bái Tử Long. Tại đây, nhiều công trình xây dựng kiên cố được đầu tư mạnh tay để khai thác dịch vụ du lịch chui.
Với quy mô hơn 20 phòng nghỉ cùng khuôn viên khá rộng với các công trình như vườn hoa, nhà ăn, nhà chờ... Bánh Sữa được đầu tư giống một khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Kết nối với Bánh Sữa là một “cầu cảng” được làm bằng gỗ, lát đều trên các tấm phao dài chừng 30 mét, phía ngoài mặt nước là khu nuôi trồng thủy sản.
Trên đảo cây cối um tùm và xanh mướt, lấp ló dưới những tán cây là cả một hệ thống công trình đồ sộ được xây dựng giống một khu nghỉ dưỡng.
Công trình đầu tiên khi bước chân lên đảo là khu nhà chờ và nhà lễ tân được trang trí trên một tấm gỗ ghi rõ là “RECEPTION” kèo theo số điện thoại liên hệ.
Bên phải từ phía cầu cảng đi vào là một khu nhà ăn riêng biệt vươn hẳn ra biển bằng một hệ thống cầu bê tông kiên cố với tên gọi “nhà Sao Biển”.
Chính giữa vườn là một hồ cá trồng xen với hoa súng nhìn rất bắt mắt.
Cách khu ‘nhà Sao Biển” chừng 100 mét là hệ thống 4 dãy nhà nghỉ 2 tầng với các tên gọi “Tu Hài”, “Hải Sâm”, “Sứa” và khu nhà chính.
Với quy mô hơn 20 phòng, tiện nghi của các phòng nghỉ tại đây thường thiết kế từ 2-4 giường phù hợp cho khách đoàn. Khi khách yêu cầu, hy hữu mới có phòng 1 giường đôi.
Chủ nhân của hòn đảo thiết kế các hạng mục rất quy mô và kiên cố, tầng 1 của dãy nhà “Hải Sâm” là khu nhà ăn được bày biện bởi 3 bộ bàn ghế gỗ kèm theo các thức uống được bày sẵn trên bàn.
Toàn bộ khu chính của công trình đều được lát gạch và đá, xung quanh đảo là các bãi cát nhân tạo. Toàn bộ công trình nằm gọn dưới chân núi Bánh Sữa và quay về hướng Tây Nam.
Trao đổi với ông Châu Thành Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết – “đảo Bánh Sữa được huyện cấp cho diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản từ năm 2008, các công trình, hạng mục xây dựng trên đảo đều phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản nhưng doanh nghiệp đã tự ý thay đổi, sửa chữa để khai thác dịch vụ du lịch”.
Ngay khi nhận được thông tin phản ánh của báo chí, ngày 29/5, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo khẩn hai địa phương là TP. Cẩm Phả và huyện Vân Đồn xác minh, xử lý tình trạng xây dựng và kinh doanh trái phép trên vịnh Bái Tử Long.