Cận cảnh Phân khu Đổi mới sáng tạo rộng hơn 3.770 ha của Đà Nẵng
TPO - Với Phân khu Đổi mới sáng tạo, Đà Nẵng ưu tiên triển khai xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật - xã hội; đầu tư các dự án trọng điểm: Khu Đô thị Làng Đại học, Khu đô thị ven sông phía Tây Nam nhà máy nước Cầu Đỏ, Dự án Không gian sáng tạo tại phường Hòa Xuân...
Theo Quy hoạch, Phân khu Đổi mới sáng tạo Đà Nẵng tiếp giáp Phân khu Ven sông Hàn và bờ Đông về phía Đông, giáp Phân khu Dự trữ phát triển về phía Tây, giáp tỉnh Quảng Nam về phía Nam và giáp Phân khu Sân bay và Phân khu Trung tâm lõi xanh về phía Bắc. Ảnh: Giang Thanh
Về địa giới hành chính, Phân khu Đổi mới sáng tạo sẽ nằm trên địa phận các phường Hòa Quý, Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn); Hòa Xuân, Khuê Trung, Hòa Thọ Tây, Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ), xã Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang).
Khung kết cấu giao thông đường bộ Phân khu Đổi mới sáng tạo gồm các tuyến đường: Đường Quốc lộ 1A, đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Võ Chí Công, đường Mai Đăng Chơn, đường Trần Đại Nghĩa...
Điểm nhấn của phân khu là khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố, nằm tại vị trí nút giao Quốc lộ 1A và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đóng vai trò quan trọng kết nối vùng, trung chuyển hàng hóa và các hoạt động kinh tế - xã hội ở khu vực này.
Ba điểm nhấn của khu vực định hướng không gian, tạo nét đặc trưng và nhận diện của phân khu đó là: Khu vực nút giao đường Mai Đăng Chơn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Khu vực nút giao đường Trần Đại Nghĩa - Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Làng Đại học Đà Nẵng.
Làng Đại học Đà Nẵng nằm trong quy hoạch Phân khu Đổi mới sáng tạo kỳ vọng sẽ tạo cú hích để dự án này tái khởi động và hoàn thành, trở thành khu vực chức năng đặc trưng, trung tâm giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực được quy hoạch theo hướng đô thị thông minh, đô thị xanh. Dự án này có diện tích khoảng 300ha (trong đó có 110ha thuộc địa phận Đà Nẵng và 190ha thuộc địa phận Quảng Nam), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1997.
Tuy nhiên, dự án "treo" 27 năm khiến đời sống của người dân sống trong vùng quy hoạch gặp nhiều khó khăn. Năm 2024, Đà Nẵng quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng còn lại của dự án. Đến tháng 7/2024, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã hoàn tất bàn giao mặt bằng để tiến hành dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng (Dự án Làng Đại học Đà Nẵng).
Theo ghi nhận, đến nay, một số trường đại học, cao đẳng như: Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học CNTT&TT Việt - Hàn, Khoa Giáo dục Quốc phòng An ninh, Trường Y Dược... (Đại học Đà Nẵng) đã xây dựng ở khu vực này. Hệ thống đường giao thông kết nối đã và đang tiếp tục được hoàn thiện.
Các khu vực vừa được UBND Quận Ngũ Hành Sơn giải phóng và bàn giao vẫn còn ngổn ngang gạch đá. Trước đó, địa phương cũng đề nghị Đại học Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm triển khai phương án quản lý đối với diện tích đất thu hồi và triển khai các hạng mục công trình đầu tư.
Khu vực này sẽ gồm các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu, trung tâm khởi nghiệp, khu văn phòng làm việc, kí túc xá, nhà ở thương mại được tích hợp vào khuôn viên các trường đại học, tạo môi trường tương tác, kích thích trao đổi và sáng tạo.
Được biết, khu vực trung tâm Phân khu Nghiên cứu tiếp giáp với các trục đường Trần Đại Nghĩa, Võ Chí Công, Mai Đăng Chơn, sông Cái và ranh giới hành chính Đà Nẵng - Quảng Nam.
Khu vực này có diện tích khoảng 696 ha, hiện có dự án Khu đô thị công nghệ FPT đang được triển khai với nhiều hạng mục như FPT Complex, các trường tiểu học, THCS, THPT, đại học cùng các tòa chung cư thương mại, khu dân cư đã và đang được hoàn thiện hạ tầng kết nối.
Với Phân khu Đổi mới sáng tạo, Đà Nẵng ưu tiên triển khai xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật nhằm tăng cường liên kết giữa các khu vực; đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm: Khu Đô thị Làng Đại học, Khu đô thị ven sông phía Tây Nam nhà máy nước Cầu Đỏ, Dự án Không gian sáng tạo tại phường Hòa Xuân...