Cận cảnh Cổ Mộc Trấn ở An Giang nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận

Sau 3 ngày đi vào hoạt động, Cổ Mộc Trấn - một địa điểm chụp ảnh check-in mang phong cách cổ trang nước ngoài ở thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang) nhận phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Cơ sở kinh doanh Cổ Mộc Trấn khai trương vào ngày 11/1 với mong muốn sớm trở thành địa điểm "check-in", chụp ảnh cổ trang độc đáo ở TP Long Xuyên. Tuy nhiên, mới 3 ngày đi vào hoạt động nơi này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Sáng ngày 14/01, hai câu liễn viết bằng tiếng nước ngoài trang trí trước cổng chào đã được tháo dỡ. Bà Huỳnh Nguyễn Kim Diệu, quản lý Cổ Mộc Trấn cho hay, hai câu liễn được bà mua về ở một tiệm bán đồ trang trí Tết, ở chợ Mỹ Long, thành phố Long Xuyên, với giá 500 ngàn đồng. "Tôi mua về để trang trí cho có không khí Tết, chứ không có hàm ý nào khác", bà Diệu chia sẻ.

Cơ sở kinh doanh Cổ Mộc Trấn do ông Dương Văn Dũng (44 tuổi, ngụ xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang) làm chủ đầu tư. Khu đất này có diện tích trên 24.400m2 (loại đất trồng cây lâu năm), bao gồm các hạng mục: Cổng chào, hồ nuôi cá KOI; cây cầu qua hồ; quầy cà phê; một số hạng mục công trình để khách ngồi uống cà phê; đường giao thông trong khuôn viên; nhà kho và 2 dãy nhà trọ xây dựng năm 2017 và năm 2018.

Ghi nhận tại Cổ Mộc Trấn vào sáng 14/1, nơi này vẫn mở cửa đón khách sau quyết định xử phạt và buộc tạm ngưng hoạt động từ UBND thành phố Long Xuyên. Tuy nhiên, lượng khách vào tham quan là rất ít, khuôn viên trường quay luôn trong tình trạng vắng vẻ.

Một lối đi với hai hàng tre dẫn vào các khu bên trong "Cổ Mộc Trấn" vắng bóng du khách.

Bà Huỳnh Nguyễn Kim Diệu, quản lý Cổ Mộc Trấn cho biết: "Nơi đây được xây dựng từ ý tưởng của mẹ tôi. Thấy phim cổ trang của Trung Quốc có nhiều cảnh đẹp, mẹ tôi muốn tạo nên những cảnh như vậy để mọi người đến vui chơi, chụp ảnh. Nhiều nơi khác, các bạn trẻ còn đi thuê y phục cổ trang rồi đến các vùng núi, chùa để chụp ảnh "sống ảo" cho đẹp, độc, lạ. Chúng tôi làm ăn đàng hoàng, chứ không cổ xúy cho văn hóa Trung Quốc hay gì cả".

Giá vé vào cổng Cổ Mộc Trấn là 60.000 đồng/người. Nếu thuê trang phục của phim trường sẽ được chụp hình miễn phí, nếu không thuê trang phục thì phải trả thêm 200.000 đồng tiền phí chụp hình.

Một bạn trẻ mặc áo sườn xám tạo dáng chụp ảnh bên các bình rượu được chế tác kiểu dáng rượu Nữ Nhi Hồng của Trung Quốc.

Phim trường Cổ Mộc Trấn được dựng lên từ các khung sắt tiền chế và mái tôn.

Nhiều không gian chụp hình mang đậm phong cách cổ trang Trung Quốc, vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Ngoài ra Cổ Mộc Trấn còn có khu vực cho thuê trang phục để chụp ảnh. Các mẫu trang phục mang hơi hướng của Trung Quốc và Hàn Quốc, đa dạng về kiểu cách cũng như giá cả.

Một nhân viên với trang phục hầu bàn quán ăn, quán rượu thường thấy trên các phim kiếm hiệp phục vụ bên trong Cổ Mộc Trấn.

Không gian cho khách nghỉ ngơi và ăn uống ở Cổ Mộc Trấn.

Cổ Mộc Trấn được sửa chữa và hoàn thiện thêm trong thời gian tạm phải đóng cửa theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Ngựa cũng được nuôi, chăm sóc tại đây để dùng làm đạo cụ để phục vụ cho việc chụp ảnh, check-in tại Cổ Mộc Trấn.

"Việc mở cửa Cổ Mộc Trấn chỉ đơn thuần là kinh doanh một nơi muốn mọi người có thể đến vui chơi, chụp ảnh khi Tết đến, xuân về. Mọi vật dụng trang trí đều được mua ở Việt Nam, với mong muốn tạo một phong cách độc lạ, riêng biệt chứ không phải đầu độc văn hóa gì cả", bà Huỳnh Nguyễn Kim Diệu - quản lý "Cổ Mộc Trấn" nói.

Hiện tại, cơ quan chức năng tỉnh An Giang đang tổ chức thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy trình và buộc cơ sở kinh doanh Cổ Mộc Trấn tạm ngưng hoạt động. Đồng thời, rà soát lại quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng tại khu vực này để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Link bài gốc: https://dantri.com.vn/van-hoa/can-canh-co-moc-tran-o-an-giang-nhan-nhieu-y-kien-trai-chieu-tu-du-luan-20220115090308132.htm

Theo Dân Trí