Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài hơn 78km đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa (5km), Ninh Thuận (63 km) và Bình Thuận (12km). Đây là đoạn cao tốc cuối cùng kết nối tuyến đường cao tốc huyết mạch từ TPHCM đi Nha Trang.
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo do liên danh Tập đoàn Đèo Cả và Công ty 194 làm chủ đầu tư với tổng vốn 8.925 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng đối tác công tư (PPP).
Tuyến cao tốc thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc Việt Nam, với tốc độ tối đa cho phép là 90km/h. Dọc đường, các cụm thiết bị ITS và camera được vận hành bằng các tấm pin năng lượng mặt trời đã lắp đặt. Mặt đường láng nhựa, kẻ vạch sơn trắng phân làn, trên dải phân cách cứng giữa tuyến có lắp đặt các tấm lưới sắt chống lóa cho tài xế vào ban đêm.
Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc, trong đó giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m với vận tốc thiết kế 90km/h.
Trên tuyến có tất cả 34 cầu, gồm 22 cầu trên cao tốc và 11 cầu vượt cao tốc và một cầu kết nối cao tốc với quốc lộ 1.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, các hạng mục chính cơ bản đã xong, hiện các tổ công trình hoàn thành các hạng mục phụ. Theo kế hoạch, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước sẽ kiểm tra dự án trong khoảng thời gian đầu tháng 4. Các công việc thi công tại một số hạng mục còn lại như: phòng cháy chữa cháy, hệ thống điện chiếu sáng, vệ sinh công trình… đang gấp rút hoàn thành.
Đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận có nhiều đồi núi, do vậy cao tốc phải xẻ núi, một số nơi có độ dốc và uốn cong dựa theo địa hình tuyến đi qua. Hai bên dãy núi, chủ đầu tư gia cố bằng bê tông chống xói mòn, sạt lở.
Những ngày đầu tháng 4, dọc trên tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, công nhân đang gấp rút thi công, hoàn chỉnh các hạng mục còn lại như vệ sinh công trường, lắp đặt dải phân cách công vụ...
Tại một sườn núi huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận), công nhân khẩn trương thi công đổ đá sỏi vào các taluy chống sạt lở vào chiều 3/4.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 85 cho biết: "Hiện tuyến chính, các cầu vượt nút giao cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã thi công hoàn thiện theo đúng cam kết với Bộ Giao thông Vận tải vào cuối tháng 3. Các đơn vị nhà thầu đang hoàn thiện các hạng mục phụ còn lại của dự án, đảm bảo đúng thời gian vận hành vào dịp lễ 30/4 theo kế hoạch".
Theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả, đến cuối tháng 3, tất cả hạng mục trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cơ bản hoàn thành. Các đơn vị đang hoàn chỉnh vạch kẻ đường, biển báo và hệ thống thu phí tự động không dừng.
Hầm xuyên núi Vung dài hơn 2,2 km được thiết kế hai ống hầm chạy song song, mỗi hầm rộng 14m. Hầm bên phải (tính từ phía bắc vào) phục vụ giai đoạn 1. Hầm bên phải dành cho phần mở rộng tuyến ở giai đoạn 2. Bề rộng hầm 14m, sau khi vận hành, hầm núi Vung sẽ là hầm đường bộ lớn thứ 4 cả nước.
Hạng mục này do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện. Hiện, hầm phục vụ giai đoạn 1 cơ bản hoàn thiện bê tông vỏ hầm và mặt đường. Đơn vị thi công đang thực hiện kết nối thiết bị trong hầm với trung tâm điều hành ngay cửa hầm phía nam.
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi qua tỉnh Ninh Thuận có 2 nút giao quan trọng là nút giao ra vào TP Phan Rang - Tháp Chàm tại huyện Ninh Sơn và nút giao Du Long ra vào quốc lộ 1 tại huyện Thuận Bắc. Trong ảnh, là nút giao Du Long ra quốc lộ 1A tại huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận).
Công nhân Lê Văn Thọ chia sẻ: "Tuyến chính cao tốc cơ bản hoàn thiện từ đầu năm 2024. Hiện chúng tôi đang vá dặm, vệ sinh lại các hạng mục để chuẩn bị nghiệm thu công trình. Gắn bó với công trình gần 2 năm, khi thấy cao tốc thành hình, sắp khánh thành ai cũng vui".
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo vận hành sẽ kết nối thông tuyến cao tốc từ TPHCM đi Nha Trang, giúp du khách chỉ tiêu tốn khoảng 5 tiếng thay vì 6-7 tiếng như trước đây.
Tuyến đường khai thác không chỉ giúp đường về quê của người dân ngắn lại mà ngành du lịch hai tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận sẽ được hưởng lợi trong thời gian tới. (Đồ họa: Ngọc Tân).