Ở nội dung 400m hỗn hợp diễn ra rạng sáng 13/8 (giờ Việt Nam) ở thủ đô Moscow của Nga, Ánh Viên đã cán đích với thời gian 4:40.79, về thứ nhì và đoạt tấm HCB được xem là lịch sử của bơi lội Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Người về nhất ở cự li này là VĐV Hungary Katinka Hosszu với thời gian 4:36.25. Xuất phát ở làn bơi số 6, Ánh Viên đã vươn lên dẫn đầu sau khoảng 100m đầu tiên. Tuy nhiên, nhà VĐTG Katinka Hosszu sau đó đã chứng tỏ đẳng cấp của mình khi bứt lên trên Ánh Viên để về nhất, đoạt HCV.
Trước đó ở nội dung 200m hỗn hợp, kình ngư người Cần Thơ cũng lập chiến tích giành HCĐ với thời gian 2:12.33. Thành tích trên của cô chỉ thua người về thứ nhì là VĐV Jakobos của Hungary đúng 0,18 giây.
Kết quả thi đấu của Ánh Viên ở Cúp thế giới đang gây cơn sốt đối với cả giới truyền thông và người mộ điệu. Những người yêu thích thể thao Việt Nam vốn đã dành tình cảm mến mộ đặc biệt đối với Ánh Viên sau thành tích chói sáng của cô ở SEA Games 28 diễn ra tại Singapore hồi tháng 6. Rất dễ để đọc được nhiều bình luận “hưng phấn” của người hâm mộ về Ánh Viên trên các tờ báo mạng hoặc trang cá nhân. Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) hôm qua lại cho rằng, người hâm mộ và đặc biệt là báo giới, cần bình tĩnh trước thành tích trên của Ánh Viên.
“Trước đây tôi từng nói rằng chúng ta không nên dùng từ “thất bại” khi mô tả thành tích của Ánh Viên ở giải VĐTG thì hiện giờ cũng vậy, chúng ta cũng không nên phấn khích quá. Ở các môn thể thao mang tính định lượng như bơi lội, thì ngoài danh hiệu, các thông số chuyên môn là yếu tố đặc biệt phải quan tâm. Đoạt huy chương thì tốt rồi, nhưng chúng ta cần đặt trong hoàn cảnh đối thủ của mình là ai, giải đấu có tính chất như thế nào. Đối với cả 2 yếu tố này thì Cúp thế giới không thể so được với giải VĐTG”, ông Hồng Minh nhận xét.
Cụ thể theo ông Nguyễn Hồng Minh, thành tích cự ly 400m hỗn hợp của Ánh Viên tại Cúp thế giới thấp hơn so với của chính cô ở giải VĐTG, diễn ra cách đây chỉ vài ngày tại Kazan, Nga (4:38.78). Thậm chí, đánh giá về chất lượng thì tấm HCB 400m hỗn hợp còn không giá trị bằng tấm HCĐ 200m hỗn hợp Ánh Viên giành được 1 ngày trước đó, do dù chỉ có HCĐ nhưng Ánh Viên đã đạt thành tích tốt nhất ở cự ly 200m hỗn hợp. Đây cũng là lý do Ánh Viên không vui khi bước lên bục nhận HCB, khác hẳn nụ cười tươi của cô lúc nhận tấm HCĐ.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, người hâm mộ có quyền vui mừng đối với việc giành huy chương của Ánh Viên, nhưng giới truyền thông và đặc biệt là các nhà lãnh đạo thể thao thì cần tỉnh táo. Ông Minh lấy ví dụ khi Ánh Viên đứng trên nhà vô địch Ye Shiwen của Trung Quốc ở cự li 400m hỗn hợp, một số ý kiến lập tức ca ngợi kình ngư Việt Nam đã vượt qua Ye Shiwen. Thực tế Ye Shiwen bị chấn thương, dẫn đến thành tích của cô giảm sút so với chính mình.
“So với một đối thủ, thì cần so thành tích cao nhất của họ. Ye Shiwen đã từng đoạt HCV Olympic, đạt tới tầm thế giới. Sẽ rất khiên cưỡng khi chúng ta nói là Ánh Viên đã vượt qua được trình độ của Ye Shiwen. Điểm đáng mừng đối với tôi khi chứng kiến Ánh Viên đoạt huy chương vừa qua là Viên đã cho thấy sự ổn định của mình ở mức thông số tốt. Điều đó cũng chứng tỏ quá trình tập luyện của Viên đang diễn ra đúng hướng”- chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho biết.
Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, Cúp thế giới bao gồm nhiều chặng, và chặng sắp tới sẽ diễn ra tại Paris (Pháp). Đây là cơ hội để Ánh Viên rèn luyện và cũng xác định được khả năng của mình, làm cơ sở cho quá trình tập huấn sau này.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) hôm qua lại cho rằng, người hâm mộ và đặc biệt là báo giới, cần bình tĩnh trước thành tích trên của Ánh Viên.