Campuchia: Đoàn kết - chìa khóa để ổn định đất nước

Có thể nói cuộc bầu cử Quốc hội khóa V của Campuchia đã chạm tới thành công sau khi Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia (NEC) ngày 12/8 công bố kết quả sơ bộ, theo đó Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền dẫn đầu với 3.236.009 phiếu bầu.

> Thắng lợi được báo trước
> Con trai ông Hun Sen: Ngôi sao mới nổi ở Campuchia

Tiếp đó là đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) được 2.945.676 phiếu, số phiếu còn lại thuộc về 6 đảng khác tham gia tranh cử.

Các nhà phân tích nhận định rằng với số phiếu đã giành được, đảng CPP đã đạt được đa số quá bán tại Quốc hội khóa mới, và sẽ tiếp tục cầm quyền.

Thông báo trên của NEC hoàn toàn không có gì là bất ngờ. Sau ngày bầu cử 28/7, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun, nhiều nguyên thủ quốc gia và những người đứng đầu chính phủ các nước trên thế giới, trong đó có lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đã sớm gửi thư, điện chúc mừng và bày tỏ tin tưởng rằng trên cơ sở kết quả bầu cử, Quốc hội khóa mới sẽ sớm hoạt động và Chính phủ mới ở Campuchia sẽ sớm được thành lập để ổn định và phát triển đất nước, vì lợi ích của nhân dân Campuchia đồng thời góp phần vào hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Một ngày sau khi cuộc bầu cử kết thúc, Tổ chức Đại hội quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP) và Hiệp hội các đảng dân chủ châu Á-Thái Bình Dương (CAPDI) tuyên bố cuộc bầu cử Quốc hội khóa V ở Campuchia ngày 28/7 đã diễn ra tự do, công bằng, chính xác, minh bạch, không bạo lực.

Trong cuộc họp báo tổ chức tại Phnom Penh sáng 29/7, Chủ tịch CAPDI - ông Jose Devenecia - nhấn mạnh rằng tổng kết hoạt động giám sát bầu cử cho thấy cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa V đã thành công, kết quả bầu cử phản ánh ý nguyện của cử tri, cho thấy dân chủ ở Campuchia đã được củng cố.

Cuộc họp báo này có sự tham dự của nhóm quan sát viên quốc tế (ICAPP), Hàn Quốc, Azerbaijan, Hungary... đã tham gia thực hiện hoạt động giám sát trong cuộc bầu cử vừa qua cùng đại diện NEC.

Trước đó, ngay trong chiều 28/7, nhóm quan sát viên ASEAN cũng tổ chức họp báo, đánh giá quá trình bầu cử Quốc hội Campuchia khóa V diễn ra tốt đẹp.

Tuy nhiên, sau khi có kết quả sơ bộ, đảng CNRP về nhì trong cuộc bầu cử vừa qua lại tuyên bố không công nhận kết quả.

Ở những quốc gia theo thể chế đa đảng, tranh chấp về kết quả kiểm phiếu là chuyện đôi khi vẫn xảy ra và thường được giải quyết qua con đường hợp hiến do chính các bên liên quan tự thương lượng. Điều khiến dư luận lo ngại khi theo dõi tình hình Campuchia hiện nay là phe đối lập đang có xu hướng hành động vượt khỏi khuôn khổ pháp luật như kêu gọi biểu tình, tẩy chay phiên khai mạc của quốc hội sắp tới. CNRP còn từ chối tham gia tổ công tác hỗn hợp của NEC để xem xét chính những khiếu nại của họ.

Theo quy định của Hiến pháp Campuchia, NEC là cơ quan có quyền hạn cao nhất trong tổ chức bầu cử và giải quyết mọi khiếu nại. Vậy CNRP có động cơ gì khi phủ nhận vai trò của một thiết chế đã được ghi rõ ràng trong hiến pháp?

Trong khi đó, CPP tiếp tục khẳng định lập trường kiên định bảo vệ quyền lợi của dân tộc và nhân dân trong mọi hoàn cảnh, đồng thời kêu gọi toàn dân tiếp tục bình tĩnh, giữ gìn ổn định, an ninh, trật tự xã hội.

Tuyên bố của Thủ tướng Hun Sen nêu rõ: “Con đường duy nhất để bảo đảm hòa bình cho đất nước chúng ta là người dân Campuchia đồng lòng tạo nên sự đoàn kết.”

Người đứng đầu Chính phủ Campuchia còn đưa ra sáng kiến đàm phán với các thành viên đảng đối lập để giải quyết những mâu thuẫn, vì hòa bình của đất nước. Cụ thể, CPP đã thành lập nhóm làm việc để đàm phán với CNRP. Đáng tiếc là cho đến nay, thủ lĩnh đảng này - ông Sam Rainsy - vẫn chưa có phản hồi chính thức.

Không chỉ dừng lại ở đó, CNRP còn sử dụng những thủ thuật chính trị mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tạo ra những hệ lụy nguy hiểm cho sự phát triển của chính Campuchia và ảnh hưởng xấu đến đoàn kết khu vực. Cụ thể, thủ lĩnh đảng này, ông Sam Rainsy đã có những tuyên bố mang tính khiêu khích, bóp méo lịch sử, gây tổn hại đến quan hệ hữu nghị Việt Nam-Campuchia.

Trả lời phỏng vấn trang mạng BBC tiếng Việt ngày 6/8 và kênh truyền hình Phượng Hoàng (của Hong Kong, Trung Quốc), ông Sam Rainsy đã vu khống Việt Nam lấn chiếm đất của Campuchia. Thậm chí ông ta còn ngang ngược tuyên bố: “Tất cả mọi hòn đảo do Trung Quốc bảo vệ là lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi lên án bất cứ hành động xâm lược nào. Những hòn đảo ấy là của Trung Quốc và chỉ thuộc về Trung Quốc mà thôi” (trích nguyên văn). Đây là những phát ngôn lạc lõng, vô nguyên tắc, bất kể nỗ lực trong chính sách đối ngoại hướng tới hòa bình và ổn định của các nhà ngoại giao Đông Nam Á.

Cần phải khẳng định một sự thật rõ như ban ngày rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ trước đến nay, Việt Nam trước sau như một chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về cách Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Còn về cá nhân ông Sam Rainsy, đây không phải là lần đầu tiên ông ta đưa ra những phát ngôn bất chấp luật pháp quốc tế và lịch sử. Còn nhớ, ông Sam Rainsy đã bị tòa án Campuchia xử vắng mặt 10 năm tù giam về tội tuyên truyền thông tin sai lạc và phá hoại tài sản quốc gia do hành vi nhổ 6 cọc phân giới tạm trên biên giới Campuchia-Việt Nam hồi năm 2009 và chỉ mới hồi hương sau khi Thủ tướng Hun Sen đề nghị Quốc vương Norodom Sihamoni ân xá cho ông ta.

Những tuyên bố hết sức vô lý của ông Sam Rainsy đã xúc phạm tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia, vốn được xây dựng qua bao năm tháng và là tài sản quý báu của hai dân tộc. Trong thời gian từ năm 1975 đến năm 1979, chế độ Khmer Đỏ Pol Pot đã thực thi chính sách diệt chủng tàn bạo khiến gần 2 triệu người, tức một phần tư dân số Campuchia khi ấy, bị thiệt mạng. Hơn thế nữa, tập đoàn Pol Pot còn phát động cuộc chiến tranh đẫm máu, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam, tàn sát hơn 20.000 dân thường Việt Nam trên vùng biên giới giữa hai nước.

Trước tình hình đó, đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết Cứu nước Campuchia và của nhân dân Campuchia, quân đội Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, đồng thời giúp đỡ nhân dân, đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, và đỉnh cao là chiến thắng ngày 7/1/1979 đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giúp đất nước Campuchia hồi sinh.

Luận điệu của CNRP đòi xét lại đóng góp quyết định của Việt Nam trong cuộc đấu tranh lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot và vai trò tích cực của người Việt trong xã hội Campuchia hiện nay không thể làm thay đổi mảy may sự thật lịch sử.

Các phát biểu của ông Rainsy mang màu sắc tính toán chính trị, lợi dụng cuộc bầu cử để kích động nhân dân Campuchia dù trong hoàn cảnh nào cũng không phải là chân lý và hướng đi đúng đắn, nên ắt sẽ phải chuốc lấy thất bại.

Thủ tướng Hun Sen đã từng khẳng định rằng thời điểm mà Campuchia lâm nguy nhất, chính Việt Nam đã không quản gian khó và hy sinh để sang cứu giúp nhân dân Campuchia, nên nhân dân Campuchia vô cùng biết ơn nhân dân Việt Nam.

Với tình cảm hữu nghị, đoàn kết láng giềng truyền thống, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn mong muốn quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia tiếp tục phát triển theo phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước.”

Một nước Campuchia ổn định và thịnh vượng có lợi cho nhân dân Campuchia cũng như cho hòa bình khu vực - như Thủ tướng Hun Sen đã nói, đất nước cần đoàn kết, người dân cần đồng lòng để ổn định và tiếp tục phát triển.

Theo TTXVN

Theo Đăng lại