Ông Trí cho biết tại khoản 3, điều 12, Luật Viễn thông quy định cấm thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; sử dụng trái phép mật khẩu, mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác. Các hệ thống văn bản hướng dẫn dưới luật trong đó có Nghị định xử phạt hành chính lĩnh vực viễn thông cũng cụ thể hóa điều này để đảm bảo quyền nhân thân của công dân.
Trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông ra sao khi việc nghe lén thông tin qua mạng viễn thông rất khó thực hiện nếu không có sự tiếp tay của các dịch vụ này?
Việc nghe lén nếu có thường ở hai dạng. Một là đối tượng kết hợp với nhân viên dịch vụ viễn thông để thu trộm, nghe lén. Hai là đối tượng tự mình sử dụng các kỹ thuật về công nghệ thông tin đột nhập vào hệ thống truyền dẫn của một mạng nội bộ nào đó để thu thập, nghe và theo dõi thông tin. Ví dụ họ dùng công cụ nghe lén cài vào hệ thống điện thoại nội bộ của cơ quan, lập tức toàn bộ cuộc gọi đi, gọi đến từ cơ quan đó có thể bị thu và nghe lại toàn bộ. Như vậy, trong trường hợp này không thể quy trách nhiệm cho các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông mà chỉ là trách nhiệm của chính các đối tượng đã độc lập thực hiện hành vi cài thiết bị để nghe lén đó.
Đối tượng vi phạm thường không chỉ nghe trộm, nghe lén mà sau đó còn chuyển thông tin có được cho người thứ ba. Trường hợp này có được coi là tồn tại hai hành vi vi phạm?
Đương nhiên tồn tại hai hành vi vi phạm.Về nguyên tắc thì mỗi hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử lý một lần. Cụ thể là hành vi nghe trộm, thu trộm thông tin từ mạng viễn thông bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng, đồng thời hành vi sử dụng thông tin nghe trộm đó chuyển cho một người thứ ba cũng phải bị xử phạt.
Ông nhìn nhận như thế nào trước yêu cầu mọi tổ chức cá nhân, trong đó có cả các doanh nghiệp viễn thông có nghĩa vụ phối hợp với cơ quan chức năng để theo dõi đấu tranh phòng chống tội phạm, và việc phải đảm bảo quyền bí mật cá nhân cho người sử dụng dịch vụ viễn thông?
Về nguyên tắc, những quyền nhân thân như bí mật đời tư của mỗi công dân được pháp luật bảo vệ. Các thông tin của cá nhân người sử dụng dịch vụ viễn thông không được tiết lộ cho người khác nếu chưa có sự đồng ý người sử dụng.
Việc lợi dụng mạng viễn thông để nghe lén nhằm theo dõi người khác là tuyệt đối cấm. Nhưng ngay trong pháp luật về viễn thông cũng quy định “nghiêm cấm lợi dụng hoạt động viễn thông nhằm chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan” (Khoản 1- Điều 12, Luật Viễn thông).
Như vậy đã rõ các doanh nghiệp viễn thông cũng có trách nhiệm phòng chống hành vi vi phạm. Việc họ phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật theo dõi đấu tranh phòng chống tội phạm là cần thiết nhưng cần đảm bảo yêu cầu không xâm phạm quyền nhân thân của công dân.
Cảm ơn ông.