Cam canh đặc sản Hà Nội trĩu quả ở Lâm Đồng

TP - Sau 6 năm dày công thử nghiệm, cải tiến kỹ thuật ươm trồng, chăm sóc, nhiều hộ đã gây dựng được những vườn cam canh trĩu quả trên cao nguyên Lâm Đồng. Loại cam này đang đắt hàng ở một số tỉnh thành phía Nam, thậm chí chuyển ngược ra Bắc tiêu thụ.
Ông Dậu đi tiên phong trồng cam canh ở xã Đông Thanh.

Những vườn cam canh quả lúc lỉu trên sườn đồi

Ông Nguyễn Phú Đức (sinh năm 1970) vốn sinh sống ở Hoài Đức (Hà Nội), nơi nổi tiếng với đặc sản cam canh, loại cam cung tiến cho vua ngày trước. Sau khi vào lập nghiệp ở xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), thấy đất tốt, sườn đồi thoai thoải, ông nảy ra ý định đưa cam canh vào trồng thử trên diện tích vài trăm mét vuông. Sau đó ông Đức trở ra Bắc bàn với vợ gom hết tiền bạc, thậm chí bán cả đôi nhẫn cưới để lên cao nguyên lập trang trại trồng trái cây. Trang trại ngày một phình to thêm, hiện đã rộng hơn 7 ha, giải quyết việc làm ổn định cho 20 lao động tại địa phương.

Nhờ thoáng gió, thoáng khí nên cây cam khỏe, ít bệnh, chóng lớn, chỉ 2 năm là bắt đầu nở hoa kết trái khoảng 2- 3kg/cây; đến năm thứ ba, thứ tư đạt năng suất từ 13- 15kg/cây. Khi trưởng thành có thể cho thu hoạch bình quân 30kg/cây, thậm chí có cây đạt 60 - 70kg quả, sản lượng khoảng 25tấn/ha/năm. Ngày hái những quả cam đầu tiên, ông mời hàng xóm láng giềng nếm thử, ai cũng bất ngờ với hương thơm và vị ngọt đậm đà của nó. Vỏ cam mỏng, có thể bóc như quýt, thịt đỏ au...

Ban đầu số cam thu hoạch còn ít nên chỉ tiêu thụ ở khu chợ gần nhất là Chi Lăng (phường 9, Đà Lạt). Chẳng bao lâu sau, trang trại trái cây của ông Đức trở nên nổi tiếng. Mỗi sáng sớm, vợ ông mang cam, quýt đi bán nhưng nhiều khi mới tới đầu chợ, khách hàng đã tranh nhau mua hết. Nay thì các đầu mối tiêu thụ đã đặt hàng mua toàn bộ sản lượng cam, quýt trồng trên diện tích 5 ha của gia đình ông trước khi thu hoạch cả tháng. Mấy năm nay giá bán sỉ rất ổn định, từ 35.000- 40.000đồng/kg cho thu nhập trên 1 tỷ đồng.

Tương tự, năm 2000, anh Trần Mạnh Chiến (32 tuổi) về quê Hưng Yên mua 1.500 cây cam canh vào trồng xen trong 1,5 ha cà phê tại thôn Nhân Hòa, Đan Phượng, Lâm Hà, Lâm Đồng. Được chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây cho thu hoạch rộ. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ tại Lâm Đồng mà còn được bán rất chạy ở TPHCM. Thấy sức mua lớn, anh Chiến mạnh dạn chặt bỏ cây cà phê, mở rộng diện tích cam lên 3,5 ha và đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Năm 2012, gia đình ông Đặng Văn Dậu (53 tuổi, ngụ tại thôn Thanh Trì, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) quyết định phá bỏ vườn cà phê rộng 1ha để chuyển sang trồng cam canh. Ngày ông chở những cây cam giống từ Hà Nội vượt hàng ngàn cây số vào Lâm Hà, nhiều người tỏ ra ái ngại bởi cho rằng miền đất cao nguyên không phù hợp với loại cây trồng này, từ trước tới nay chưa thấy ai trồng bao giờ. Thế nhưng năm 2017, cả vườn cam đã ra trái đều đặn, được thương lái đến tận vườn thu mua rồi vận chuyển ra Hà Nội tiêu thụ. 

Cải tiến kỹ thuật cho phù hợp với vùng đất mới

Theo ông Đức, đất đỏ bazan ở cao nguyên khiến cây rất tươi tốt nên phải hãm bớt chiều cao, tạo chiều rộng của tán cây để năng suất đạt mức cao nhất… Quan trọng nhất là xác định được thời điểm khoanh gốc. Khi thấy trên cây có lượng hoa, trái non đúng yêu cầu thì phải khoanh gốc để hạn chế lượng nước đưa lên, giúp cây không bị rụng hoa, rụng trái. Sau mỗi đợt mưa kéo dài, cây dễ bị nấm bệnh nên cần phun ngừa.

Ông Đức chọn nguyên liệu cám gạo, cám bắp phối trộn với các chế phẩm sinh học làm chất dinh dưỡng chính để nuôi cây nhằm tăng khả năng đề kháng các loại bệnh gây vàng lá, không đậu trái… và tăng vị ngọt thanh cho quả. Hàng năm rải đều xung quanh mỗi gốc cam gần 0,4kg phân bón ủ cám gạo, cám bắp, cộng với 3-5kg phân chuồng vào thời điểm sau thu hoạch trái chính vụ một tháng, sau đó tưới nước đều trên mặt đất cho phân ngấm vào bộ rễ lưu chuyển lên nuôi cây.  

Về kỹ thuật chiết cành, ghép mầm, ông Đức chia sẻ, các chồi cam giống được ghép trên gốc bưởi dại sẽ khỏe, chịu được khô hạn và tránh các bệnh về rễ. Lúc sáng sớm là thời điểm ghép cây đạt tỷ lệ sống cao nhất, mầm chồi phát tán nhanh. Ông đã sản xuất hàng vạn cây con ươm ghép để cung cấp cho nhu cầu chuyển đổi cây trồng của nông dân ở Nam Ban (Lâm Hà), Cầu Đất, Nam Hồ (Đà Lạt).

Ông Dậu thì đầu tư hệ thống bón phân, tưới nhỏ giọt cho từng gốc cam và nhiều vòi nước trên cao làm mát lá, giữ ẩm cho vườn khi trời nắng nóng kéo dài. Ông còn dùng mật mía, sữa bò, đậu tương lên men để tưới cho cam nhằm tăng độ ngọt. Sau khi bán cây giống cho các hộ nông dân ở Lâm Hà, ông còn chuyển giao khoa học kỹ thuật, “bảo hành” cây cam cho tới khi có trái.

Ban đầu cây chỉ cho thu hoạch vào tháng 11, 12 âm lịch nên giá trị vườn cam mang lại chưa cao. Anh Chiến đã can thiệp kỹ thuật để “ép” cam cho quả quanh năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán, còn ông Dậu điều khiển cho cam ra quả nghịch vụ vào tháng 5; đồng thời xử lý “ép” size quả cam để đạt chuẩn 7 trái/kg, loại size phù hợp nhất với cam canh, đảm bảo vỏ mỏng, ít hạt mà vẫn mọng nước.

Theo ông Trần Văn Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, địa phương đang có định hướng thành lập hợp tác xã để phát triển cam đường canh, xem đây là một trong những loại cây để tái cơ cấu cây trồng trong vùng nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.