Cách nào để thêm không gian đi bộ cho Hà Nội?

Cách đây 2 năm, TP Hà Nội mở phố đi bộ vào hai ngày cuối tuần. Người dân Thủ đô vỡ òa niềm vui, vì nơi đây trở thành không gian nghỉ ngơi, giải trí, gặp gỡ vô cùng thú vị.

Tiếng lành đồn xa, số người đến Hồ Gươm mỗi ngày một nhiều, từ vài nghìn, đến vài vạn và sau 2 năm (2016 - 2018) phố đi bộ Hồ Gươm đang trở nên quá tải. Vì vậy, Hà Nội cần có giải pháp giảm tải.

Khi số lượng người đến phố đi bộ ngày càng đông, trong khi bộ máy quản lý gồm công cụ và phương thức cũ kỹ, không đủ năng lực kiểm soát đám đông thì phát sinh nhiều vấn đề: Ô nhiễm âm thanh vì quá nhiều nhóm nhạc biểu diễn tự do, động vật thả rông, bãi trông xe tự phát mọc lên khắp các tuyến phố lân cận... Đó là kết quả của sự quá tải người tham gia và đơn vị, cá nhân làm nhiệm vụ quản lý.

Để khắc phục những hạn chế này, cơ quan quản lý cần bổ sung các biện pháp: Thiết kế tổ chức các hoạt động phù hợp để hạn chế xung đột giữa các hoạt động, khống chế số lượng nhóm nhạc/ngày, mỗi nhóm có số người biểu diễn phù hợp , âm lượng phù hợp (có thể để các nhóm nhạc thương lượng với nhau); khoanh vùng các hoạt động kinh doanh trò chơi, bán hàng hay các hoạt động khác để kiểm soát trật tự; dùng camera giám sát các hoạt động, bao gồm kiểm soát cả các nhân viên quản lý, mở cổng nhắn tin phản ánh của người dân tham gia giám sát các hoạt động; duy trì các hoạt động thường xuyên của các nhóm tình nguyện để giám sát việc giữ vệ sinh. Các sáng kiến này liên tục được cập nhật bàn thảo và phản ánh với cơ quan quản lý Hồ Gươm.

Việc kéo bớt lượng người đổ dồn từ Hồ Gươm về phố đi bộ khác (như phố Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ) là mong muốn chủ quan. Phố đi bộ Trịnh Công Sơn hay ở các địa điểm khác cần tổ chức hấp dẫn đa dạng, quảng bá hình ảnh tốt thì mới thu hút được người tham gia, không phải vẽ ra phố đi bộ là TP đi bộ. Tuy nhiên, Hà Nội nên nhanh chóng mở các tuyến phố đi bộ phụ cận ở các quận huyện, để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ không gian văn hóa công cộng của người dân. Trước mắt, mở rộng ngay tại quận Hoàn Kiếm: Ví dụ như Hoàn Kiếm đã tạo ra một không gian hấp dẫn tại Phùng Hưng, nếu tạo không gian kết nối hai khu vực này lại thì không gian đi bộ mở rộng hàng chục lần. Được biết các cơ quan quản lý cũng đang chú ý tới ý tưởng này.

Ngoài Hồ Gươm, phố Trịnh Công Sơn, nơi nào cũng có thể tạo nên những không gian phù hợp phát triển tuyến phố đi bộ. Ví dụ như Hà Đông có công viên hai bên bờ sông Nhuệ. Đông Anh có khu Cổ Loa. Những dải cây xanh ven hồ, sông Tô, sông Nhuệ (nếu có đầy nước sạch) sẽ là nơi hấp dẫn cho hàng triệu người. Vượt lên tất cả là các nơi vui chơi giải trí của người dân thì nên để người dân sáng tạo đề xuất, các cơ quan quản lý ủng hộ lắng nghe và sớm hiện thực hóa.
Bên cạnh việc mở các tuyến phố đi bộ, còn vô số giải pháp để có thêm nhiều không gian văn hóa cho người Hà Nội. Ví dụ như ngay bãi giữa Sông Hồng, nếu không bị các dự án bất động sản ám ảnh thì không cần tiền bạc nhiều sẽ có đại công viên rộng hơn 50ha mặt đất và 200ha mặt nước, lớn gần gấp 6 lần Công viên Thống Nhất (40ha), gấp 12 lần phố đi bộ Hồ Gươm (21ha, tính cả mặt hồ).

Đề xuất “Công viên Hài hòa – Harmony Park” do City Solution đăng ký tác quyền và Hội KTS Hà Nội bảo trợ có thể đáp ứng không gian hoạt động cùng lúc cho hàng triệu người: Mùa cạn là vườn cây thảm cỏ/mặt nước yên bình, mùa lũ là thao trường huấn luyện sông nước cho thanh thiếu niên… Nếu các nhà quản lý quan tâm đến nâng cao chất lượng cuộc sống con người thì Hà Nội không thiếu địa điểm và ý tưởng để hiện thực hóa mục tiêu đó.

Theo Theo Kinh tế đô thị