Ngôi nhà tại São Paulo (Brazil) này đại diện cho kiểu nhà ống phổ biến ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. Nó có diện tích 170m², chiều rộng là 5,6m và chiều dài là 30m với mặt tiền có phần hơi cứng nhắc và tẻ nhạt.
Tuy nhiên, sự tẻ nhạt này là do các kiến trúc sư đã đảo ngược mặt tiền của ngôi nhà. Nghĩa là ngôi nhà có bề ngoài đơn giản kín đáo nhưng bên trong là không gian mở thoáng mát với vườn cây và tiểu cảnh thủy sinh.
Để tạo sự mới mẻ, các không gian riêng tư như phòng ngủ, nhà vệ sinh được đặt ở tầng trệt. Còn tầng 2 là không gian sinh hoạt chung của gia đình.
Nhờ vào thiết kế thông tầng xen kẽ mà các không gian ở cả 2 tầng đều ngập tràn ánh sáng với mỗi chỗ được trồng một cây xanh.
Các kiến trúc sư giải thích, nhược điểm lớn nhất của nhà ống là dễ thiếu sáng, thêm vào đó kiểu tường gạch mộc màu xám trông có phần cứng nhắc, thô ráp. Nên nếu có nhiều xanh sẽ giúp ngôi nhà sinh động hơn và tạo cảm giác không khí trong lành, mát mẻ hơn.
Nhờ đảo mặt tiền nên ở tầng trệt, ngay khoảng giếng trời, các kiến trúc sư có thể bố trí được khu tiểu cảnh thủy sinh với những loại cây ưa nước. Khu vực này có thể dễ dàng tiếp cận từ lối vào và nhìn thấy được ở mọi vị trí trong nhà nhờ lớp tường kính.
Khu tiểu cảnh thủy sinh vừa là điểm nhấn, vừa là khoảng đệm trước khi vào nhà. Bên cạnh đó, kiến trúc sư còn thiết kế bồn treo cây ở trên khu thủy sinh và khu trồng cây xanh gần mặt tiền tầng lầu.
Đối với cây trồng trên tầng lầu, đây là loại cây lớn, có tán rộng, rất lý tưởng để tạo nên sự riêng tư cũng như cho bóng mát che các cửa kính ở tầng 2. Điều này đem đến sự độc đáo, ấn tượng cho ngôi nhà.
Bên cạnh các khoảng xanh mang tính điểm nhấn, các không gian sống trong nhà được thiết kế nhẹ nhàng, hiện đại.
Nhà tắm có đèn chiếu sáng như trong studio.
Để đảm bảo sự riêng tư, một số tường kính được lắp rèm che.
Đặc biệt, trong khu vực sinh hoạt chính của các thành viên lại tiếp tục có thêm một mảnh vườn nhỏ với nhiều loại cây cảnh để tạo thêm sự gần gũi với thiên nhiên.
Lộc Liên
Theo Archdaily, Terra e Tuma Arquitetos Associados, Nelson Kon