Cách chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Trẻ bệnh cần ăn thực phẩm mềm mịn như cháo, sữa, sữa chua, nước ép hoa quả..., cách ly với các bé khỏe.
Trẻ mắc tay chân miệng cần ăn những thực phẩm mềm mịn, mát lạnh, như: cháo, sữa, sữa chua, nước ép hoa quả,... Ảnh: Health

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Triệu chứng ban đầu là bé sốt 39-40 độ C, miệng sưng, chảy nước miếng liên tục, biếng ăn, quấy khóc, run tay chân. Da và niêm mạc trẻ bị tổn thương gây nên các vết loét hoặc bọng nước có đường kính khá lớn. Một số ít trường hợp chỉ loét miệng rất dễ nhầm với loét miệng do nhiệt hoặc loét miệng do virus Herpes. Các vết loét trong miệng khi vỡ ra có thể gây nôn hoặc tiêu chảy.

Bệnh lây lan do trẻ lành tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với trẻ bệnh qua chất tiết ở đường hô hấp trên như họng, hầu, răng miệng (nước bọt, chất nhày ở mũi họng). Các dụng cụ đồ chơi, dụng cụ ăn uống như bát, đũa, thìa..., khăn lau tay, khăn rửa mặt cũng có thể dính virus làm lây bệnh.

Bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắcxin phòng bệnh.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Mộc Lan, trẻ mắc chân tay miệng thường rất biếng ăn nên cần chọn thực phẩm mềm, mịn, mát lạnh tạo cảm giác dễ chịu như bột dinh dưỡng, sữa, sữa chua, phô mai. Tránh ăn thực phẩm cay nóng, không nên cho trẻ uống nước nóng hoặc lạnh quá làm đau miệng, tăng tình trạng viêm loét.

Món ăn phù hợp cho trẻ mắc tay chân miệng

- Sữa: Các vết loét ở lưỡi và lợi khiến trẻ không nhai nuốt được. Một ly sữa mát sẽ giúp trẻ cảm thấy dịu lại trong miệng. Nên cho bé uống sữa nhiều lần trong ngày. Sữa nhiều protein giúp trẻ mau hồi phục, đồng thời cung cấp nước để bù lại những cơn sốt làm trẻ hao kiệt.

- Cháo bột: Tốt nhất là xay cháo thật nhuyễn để trẻ có thể nuốt bỏ qua bước nhai, tránh gây đau ở miệng. Có thể xay nhuyễn thịt nạc, thịt bò và thêm cả rau củ để đảm bảo cung cấp đầy đủ chất đạm, chất xơ.

- Sữa chua là thực phẩm giúp tiêu hóa tốt.

- Nước ép hoa quả: Nước ép hoặc các loại sinh tố trái cây bổ sung rất nhiều vitamin, nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Các loại hoa quả có thể dùng đó là dưa hấu, xoài, bơ, đu đủ...

Nên chia nhỏ các bữa ăn. "Không cố gắng ép trẻ ăn, vì trẻ đau miệng, ăn nhiều một lúc sẽ gây cảm giác khó chịu", bà Lan khuyên. Trẻ còn bú mẹ thì cần cho bú như bình thường, tăng số lần lên vì bé mỗi lần bú không được nhiều như lúc khỏe mạnh. Khi trẻ hồi phục và hết các vết loét gây đau trong miệng, cần động viên ăn uống bình thường trở lại. Sau khi ăn bé nên súc miệng sạch sẽ và nghỉ ngơi 3- 4 giờ mới ăn bữa khác.

Theo Theo Vnexpress