Cách bày mâm ngũ quả trong nhà ngày Tết Tân Sửu 2021 hút tài lộc

TPO - Bày mâm ngũ quả ngày Tết là một phong tục tập quán lâu đời của các gia đình Việt. Tuy nhiên, do đặc trưng văn hóa, địa lý, thời tiết và sản vật nên mỗi miền Bắc - Trung - Nam lại có mâm ngũ quả có hình thức và ý nghĩa khác nhau. Dưới đây là gợi ý cách bày mâm ngũ quả đẹp, đúng phong thủy để đem lại may mắn, tài lộc cho gia đình.

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, các gia đình lại tất bật chuẩn bị cành đào, cây quất, câu đối đỏ, bánh chưng xanh,... và tất nhiên không thể thiếu là mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ ông bà tổ tiên.

Trong quan niệm của người Việt và văn hóa phương Đông nói chung, thì mâm ngũ quả thể hiện 5 yếu tố ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. 5 hành trên được coi là những yếu tố cấu thành nên vũ trụ. Khi có đủ các hành nghĩa là cuộc sống sẽ được cân bằng, no đủ.

Do đó, mâm ngũ quả thường gồm 5 loại trái cây khác nhau, các loại quả được lựa chọn đại diện cho nguyện ước, mong muốn của gia chủ trong năm mới. Tuy nhiên, do đặc trưng văn hóa, địa lý, thời tiết và sản vật nên mỗi miền Bắc - Trung - Nam lại có mâm ngũ quả có hình thức và ý nghĩa khác nhau.

Cách bày mâm ngũ quả miền Bắc

Theo phong tục của người miền Bắc, cách bày mâm ngũ quả truyền thống sẽ để nải chuối xanh đặt dưới cùng, ở giữa để đỡ lấy toàn bộ các trái cây khác. Nải chuối như bàn tay ngửa, hứng lấy những gì tinh túy nhất của mùa Xuân để đọng thành quả ngọt; nó còn có ý nghĩa che chở, bảo bọc.

Mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Bắc. Ảnh: IT.
Thứ hai là quả Phật thủ màu vàng – tượng trưng hành thổ nên được đặt ở giữa mâm ngũ quả, trong lòng nải chuối và những loại quả khác sẽ được bày biện xung quanh sao cho hài hòa, cân đối nhất. Phật thủ là loại quả có mười cánh múi chụm lên như 10 ngón tay nên dân gian gọi là tay Phật. Phật thủ được bày lên bàn thờ ngày Tết với niềm cầu mong được bàn tay Phật trời ban phúc lộc. Nếu không tìm được Phật thủ, có thể bày quả bưởi lên mâm ngũ quả cũng mang ý nghĩa tương tự.

Tiếp theo, ba loại quả khác có các màu đỏ (ứng với mùa Hạ – hành hỏa) như ớt sừng, cam quýt chín, trứng gà, hồng… màu trắng (ứng với mùa Thu – hành kim) như roi, đào… màu đen (ứng với mùa Đông – hành thủy) như mận, hồng xiêm… Tất cả những loại quả này được bày đan xen vào nhau lên mâm ngũ quả tạo thành hình tháp.

Cách bày mâm ngũ quả miền Trung

Đối với người dân miền Trung, mâm ngũ quả không quá câu nệ hình thức, chủ yếu là có gì cúng đó, thành tâm dâng kính tổ tiên là được. Thường mâm ngũ quả sẽ bày biện đủ chuối, thanh long, xoài, dưa hấu, đu đủ, mãng cầu, dứa...
Mâm ngũ quả miền Trung ngày Tết rất đơn giả, không cầu kỳ. Ảnh IT.

Cách bày mâm ngũ quả của người miền Trung cũng rất đơn giản, không cầu kỳ. Mâm ngũ quả của người miền Trung thường bày những quả có hình dáng to, nặng ở dưới và những loại quả nhỏ thường bày ở trên sao cho cân đối, vừa mắt.

Cách bày mâm ngũ quả miền Nam

Người miền Nam bày mâm ngũ quả theo mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài” ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. 

Ngoài ra, còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.

 Mâm ngũ quả của người miền Nam theo mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài” 

Ngược lại với miền Bắc, nếu như nải chuối xanh là thứ không thể thiếu trong mâm ngũ quả, thì người miền Nam lại kiêng kỵ. Bởi theo họ loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi" thể hiện sự nguy khó. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì câu “quýt làm cam chịu”, hay như trái lê đồng nghĩa với “lê lết”...

Cách bày trí mâm ngũ quả của người miền Nam đòi hỏi sự hài hòa, cân đối. Họ thường bày những loại quả to, nặng và xanh ở dưới, còn những loại quả nhỏ, chín thì bày lên trên. Đặc biệt, cần bày trí mâm ngũ quả sao cho giống với ngọn tháp là được. Với cặp dưa hấu, họ thường sẽ bày riêng và bày ở 2 bên của mâm ngũ quả…

Một số điều kiêng kị khi bày mâm ngũ quả ngày Tết 2021

Theo chuyên gia phong thủy, trên mâm ngũ quả chỉ đặt hoa quả, chứ không đặt thêm các thực phẩm khác để đảm bảo thanh tịnh.

Tuyệt đối không bày hoa quả giả trên ban thờ vì sẽ thể hiện sự bất kính với bậc bề trên, mất đi bầu không khí trang nghiêm và lại không hợp thẩm mỹ.

Do ngày Tết kéo dài, không nên lựa chọn những loại quả quá chín để trưng trong mâm ngũ quả. Nếu chọn quả chín sẽ rất dễ bị thối, hư hỏng, mang tới điềm không may mắn trong năm mới

Các gia đình hay có thói quen rửa hoa quả, nhưng chưa khô nước đã bày biện, việc này khiến hoa quả bị nước đọng lại, nhanh hỏng. Đây cũng là một điềm xấu đầu năm. Do vậy, cần phải để ráo nước, lau sạch, khô trước khi bày…

Trên đây chỉ là thông tin mang tính chất tham khảo.