Các thủ lĩnh Đoàn thăm viếng Nghĩa trang Hàng Dương

TPO - Chiều thứ 7, 26/5,  Ban Thường vụ T.Ư Đoàn đã khai mạc Hội nghị lần thứ ba, khoá XI tại Côn Đảo. Trong phát biểu khai mạc, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong nói thật ý nghĩa là hội nghị có nhiều nội dung về giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi lại tổ chức tại mảnh đất đặc biệt trong lịch sử đấu tranh cách mạng này.
Bí thư thứ nhất Lê Quốc Phong và Ban Thường vụ dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Côn Đảo.

Ngay chiều tối ngày 26/5, vừa họp xong, Ban Thường vụ T.Ư Đoàn đã đã tới đặt vòng hoa, dâng hương viếng các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương, thắp hương trên mộ Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, anh hùng liệt nữ Võ Thị Sáu và các liệt sĩ khác.

Vòng hoa của Đoàn.

Trong hơn 100 năm bảo vệ Tổ quốc và giành lại độc lập dân tộc, rất nhiều chiến sĩ cách mạng, chiến sĩ cộng sản bị thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ và tay sai đưa ra giam giữ, đày đoạ nơi đây. Có hàng vạn người hi sinh và được chôn tại Nghĩa trang Hàng Dương. Hiện đã tìm và tôn tạo được ngót 2.000 ngôi mộ, trong đó chỉ có hơn 700 ngôi có tên, còn lại là vô danh. Trong ảnh là một khu trong Nghĩa trang Hàng Dương.
Hoa đỏ rơi trên mộ những chiến sĩ đã khuất. 

Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn thắp hương trên mộ Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong thắp hương trên mộ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh.

Thắp hương tưởng niệm liệt sĩ Vũ Văn Hiếu - Bí thư đầu tiên Đặc khu uỷ Khu mỏ Quảng Ninh, người trước khi hi sinh đã cởi manh áo đang mặc trao lại cho đồng chí Lê Duẩn, nói: “Tôi sắp chết rồi, tôi nghĩ mãi mà không biết làm cái gì để phục vụ Đảng đến phút cuối cùng. Áo đây đồng chí mặc lấy để sống mà làm việc cho Đảng... Tôi nghĩ kỹ rồi, chỉ còn có việc này là tôi còn cống hiến được cho Đảng”. Sau này, nhà thơ Tố Hữu  đã viết về tình đồng chí và sự hi sinh của những người cộng sản trong bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng”: “Chết còn cởi áo cho nhau / Bát cơm dành để người sau ấm lòng”.

Bia mộ của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Chí Hiếu, người cuối cùng hi sinh trong chuồng cọp trong đợt đấu tranh của tù chính trị chống chính quyền Ngô Đình Diệm ép ly khai cộng sản. Phần dưới bia in lại những dòng chữ bất khuất người anh hùng viết ngày 25/3/1961: “Tên tôi là Lưu Chí Hiếu không li khai Đảng Cộng sản được. Tôi xin chịu trách nhiệm không li khai. Ký tên: Lưu Chí Hiếu”

 
Các uỷ viên Thường vụ T.Ư Đoàn toả đi thắp hương trên từng dãy mộ.

Bí thư thứ nhất Lê Quốc Phong thắp hương cho liệt sĩ vô danh.

Mộ Anh hùng liệt nữ Võ Thị Sáu lúc nào cũng đỏ rực lửa hương.

Một người viếng nghĩa trang cẩn trọng, thành kính lau sạch tấm phù điêu có hình chị Sáu.

Trong ánh đèn đêm, các thủ lĩnh Đoàn đứng lặng nghe kể về người nữ anh hùng.