Bộ Y tế đề nghị các tỉnh đang có ca bệnh cần tiếp tục huy động nguồn lực tối đa, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế triển khai các biện pháp truy vết tích cực, khoanh vùng, cách ly kịp thời, xét nghiệm diện rộng. Chú trọng thực hiện phong tỏa nhiều lớp, truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần để thực hiện cách ly, xét nghiệm kịp thời. Các tỉnh, thành phố đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng cần thay đổi chiến lược, nâng các biện pháp đáp ứng cao hơn một mức so với đợt dịch trước, trong đó thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg hoặc hạn chế tập trung đông người theo Chỉ thị 15/CT-TTg phù hợp cho từng địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao.
Xác định các F1 là trường hợp nhiễm bệnh, từ đó truy ra F2, coi F2 gần như F1 và vừa truy vết vừa phải khoanh vùng ngay, khoanh vùng rộng và lấy mẫu toàn bộ người dân tại các khu vực lây nhiễm cộng đồng. Thực hiện nghiêm việc cách ly; khoanh vùng hẹp hoặc nới lỏng khi tất cả các trường hợp đều âm tính; yêu cầu người dân toàn thành phố bắt buộc phải đeo khẩu trang; hạn chế tập trung đông người ở khu vui chơi, giải trí; tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu…
Về việc kiểm soát đi lại của người dân tại những địa phương có dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ đang xây dựng và sẽ sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về vùng có dịch. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định khu vực ổ dịch và phong tỏa.
Ðiều chỉnh thời gian cách ly tập trung
Vừa qua, chúng ta quy định thời gian cách ly tập trung là 21 ngày (trước đó, quy định 14 ngày). Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, các kết quả nghiên cứu cho thấy, tuy chủng virus mới có hệ số lây cao hơn, thời gian khởi phát nhanh hơn nhưng thời gian ủ bệnh của tất cả các biến thể của SARS-CoV-2 đều vào khoảng từ 14 ngày. Vì vậy, Bộ Y tế đang xem xét những phân tích khoa học cuối cùng để có văn bản điều chỉnh thời hạn cách ly tập trung. Thực tế, các nước trên thế giới cũng đang thực hiện cách ly tập trung 14 ngày.
Qua thực tiễn chuyến xe từ Điện Biên (xe khách đường dài) bắt thả khách dọc đường, các chuyên gia, thành viên Ban Chỉ đạo đặc biệt lo ngại, vì chuyến xe này chứa nhiều rủi ro. Gần Tết, người dân đi lại nhiều nên cần kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhất là vận chuyển hành khách công cộng (taxi, xe khách, máy bay…); yêu cầu xử lý thật nghiêm những xe khách chở quá số người quy định, không tuân thủ quy định phòng chống dịch; đề nghị bà con thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, phòng chống dịch khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Chiều 5/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp các Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam. Các vị trưởng đại diện trình bày về kế hoạch hỗ trợ vắc-xin ngừa COVID-19 của Chương trình vắc-xin COVID-19 toàn cầu (COVAX). Trưởng đại diện các tổ chức này đang làm việc sát sao với Bộ Y tế để khẩn trương lên kế hoạch tiêm chủng của Việt Nam theo đúng yêu cầu của COVAX. Nếu trong điều kiện thuận lợi, trong quý I/2021, những liều vắc-xin đầu tiên của COVAX có thể về đến Việt Nam.