Các loại cây chữa bệnh nên trồng trong nhà

Khi bị bỏng hoặc đứt tay, lấy lá cây sống đời giã nát rồi đắp lên vết thương hoặc dùng lá lô hội xoa làm dịu đau rát. 
Lô hội (nha đam). Ảnh: News.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thị Đẹp, Khoa Dược, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết một số loại cây cảnh lành tính có thể trồng trong gia đình vừa để làm đẹp không gian vừa có tác dụng chữa bệnh, như sau:

Lô hội (nha đam)

Lô hội tên khoa học là Aloe vera L. Nhựa và lá cây có vị đắng, tính hàn, có tác dụng tiêu viêm, nhuận trường, diệt ký sinh trùng. Loại cây này dễ trồng, dễ chăm sóc. Trong Đông y, nhựa lô hội thường dùng để trị kinh bế, kinh nguyệt ít, táo bón, đại tiện bí, sung huyết não, kinh phong. Người ta cũng dùng cả lá lẫn vỏ cây giã nhuyễn đắp lên da để trị mụn nhọt sưng đỏ. Có thể dùng 10-15 g lá, 1,5-3 g nhựa dưới dạng viên hoặc nghiền thành bột đắp tại chỗ trị đau đầu, chóng mặt, táo bón, trẻ co giật, suy dinh dưỡng, ho gà, sâu răng, viêm mủ da, Eczema.

Trong dược học, lô hội cũng được dùng để giải độc cơ thể: Lignin trong lô hội có tác dụng như một chất xơ cuốn sạch các chất thải bị kẹt trong các nếp gấp của ruột; uronic axit loại trừ chất độc trong tế bào; kali cải thiện chức năng gan và thận là hai cơ quan chủ yếu của việc loại trừ chất độc trong cơ thể. Đặc biệt, loài thực vật này có tác dụng trị vết cháy và bỏng rất nhanh. Dùng lá cây lô hội chiết dịch xoa tại chỗ hoặc lấy một lá (15-18 cm) đun sôi với nước, cho thêm đường vào uống để làm dịu đau rát và giúp vết thương mau lành. Người bị yếu dạ dày, ruột và phụ nữ có thai không nên dùng.

Người bị viêm loét dạ dày có thể uống gel lô hội tươi, cách vài giờ uống một muỗng canh lúc đói làm êm dịu vết loét dạ dày; còn có tác dụng chống viêm nhiễm, dị ứng hay trị vết sưng do côn trùng cắn. Lô hội làm lành hầu hết các loại vết thương giúp giảm đau do viêm khớp, cân bằng đường huyết, phòng ngừa sỏi niệu, giảm đau cơ nhờ vào các anthraquinon phối hợp với canxi trong đường tiểu thành hợp chất tan được để tống ra ngoài theo nước tiểu.

Hoa hồng

Hoa hồng có vị ngọt, tính ấm có tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, tiêu sưng. Người ta dùng 2-10 g hoa hãm uống hoặc tán bột uống để chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, đinh nhọt, viêm mủ da, bệnh bạch hầu lao cổ. Bột hoa còn có tác dụng cầm máu, chữa băng huyết, đi cầu lỏng. Dùng cẩn thận trong trường hợp tiêu hóa khó khăn, không dùng cho phụ nữ có thai.

Dùng 10-15 g rễ hoa hồng dạng thuốc sắc giúp chữa đòn ngã tổn thương, bạch đới, di tinh; đồng thời dùng hoa tươi và lá đắp ngoài. Lá cây còn dùng chữa bạch cầu lao. Lá, trái hồng sắc uống trị thấp khớp, nhọt, đái dầm, đái máu, tê thấp. Nụ hoa trị kinh nguyệt đau, tuần hoàn yếu, đau bao tử.

Sống đời

Hoa sống đời. Ảnh: phatgiao.

Sống đời còn gọi là cây thuốc bỏng, lạc địa sinh căn, thổ tam thất, trường sinh, tên khoa học là Kalanchoe pinnata (Lam.) Pers. Toàn thân cây có vị nhạt, chát, hơi chua, tính mát, có tác dụng giải độc, tiêu thũng, hoạt huyết chỉ thống, bạt độc sinh cơ.

Ngọn và lá sống đời non có thể thái nhỏ nấu canh ăn và dùng làm thuốc giải độc, chữa bỏng, đắp vết thương, đắp mắt đỏ sưng đau, đắp mụn nhọt và cầm máu. Do có tác dụng kháng khuẩn nên sống đời còn được dùng trị một số bệnh đường ruột và bệnh nhiễm trùng khác như viêm loét dạ dày, viêm ruột, trĩ nội, đi ngoài ra máu.

Ở Ấn Độ, người ta dùng lá cây này đắp trị bỏng, vết thương, mụn nhọt và các vết cắn đốt của côn trùng. Ở Trung Quốc, toàn cây được dùng chữa ung sang thũng độc, viêm tuyến vú, đan độc, ngoại thương xuất huyết, đòn ngã, tổn thương, gãy xương, bỏng, viêm tai giữa.

Cách dùng: Lá tươi giã nát đắp hoặc vắt lấy nước bôi hàng ngày. Có thể dùng lá tươi 40 g rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước hoặc hòa với nước chín rồi lọc lấy nước cốt để uống. Ngoài ra lá tươi giã nát vắt lấy nước, nhỏ vào tai chữa được bệnh viêm tai giữa cấp tính. Cũng nước lá tươi, thêm rượu và đường uống chữa bị ngã, bị thương thổ huyết.

Ngọc lan

Hoa này có tên khác là ngọc lan hoa vàng, sứ hoa vàng hay hoàng lan, tên khoa học là Michelia champaca L. Hoa chứa tinh dầu có giá trị ngang với tinh dầu hoa hồng. Lá cũng chứa tinh dầu. Vỏ chứa một alcaloid ít độc.

Ngọc lan.

Rễ và quả cây có vị đắng tính mát có tác dụng khư phong thấp, lợi hầu họng, kiện vị chỉ thống. Rễ khô và vỏ rễ có tính xổ, điều kinh. Vỏ thân có tác dụng giải nhiệt, hưng phấn, khư đàm, thu liềm. Hoa và quả có tác dụng làm phấn chấn, trấn kinh, khư phong, kiên vị, lợi niệu. Lá có tác dụng giải độc.

Vỏ cây ngọc lan làm thuốc trị sốt, ho, điều kinh, có thể dùng làm thuốc trị sốt rét cách nhật. Rễ khô và vỏ rễ dùng tươi dạng thuốc hãm làm thuốc uống để điều kinh và dùng sắc rồi thêm sữa đông đắp trị áp xe. Hoa và quả chữa đầy hơi, buồn nôn và sốt lại có tác dụng lợi tiểu. Dùng như thuốc lợi tiểu trong chứng đau thận và trong bệnh lậu phối hợp với dầu vừng làm thuốc đắp ngoài trị chóng mặt. Hạt và quả dùng trị nứt nẻ ở chân, hạt cũng dùng làm thuốc trị giun.

Ở Malaysia và Philippines, người ta dùng thịt quả trộn với các loại thuốc khác trị bệnh phong thấp đau nhức. Tại Vân Nam (Trung Quốc), rễ và quả được làm trị hóc xương, phong thấp, đau dạ dày. Lá dùng súc miệng làm thuốc trị đau yết hầu. Ở Thái Lan dùng lá trị rối loạn thần kinh. Người Ấn Độ dùng dịch lá trộn lẫn mật ong dùng trị đau bụng. Tinh dầu được dùng làm hương liệu, làm thuốc đắp trị đau đầu, viêm mắt và thống phong.

Theo Theo Vnexpress