Ông Châu đánh giá chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài phát triển hạ tầng đô thị thông qua các hình thức: xây dựng - chuyển giao (BT), xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)… đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong điều kiện nguồn lực ngân sách có hạn.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, việc thực hiện phương thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư các khu đất vàng hoặc theo hình thức BT, BOT… đã bộc lộ những mặt hạn chế. Nguồn vốn chủ sở hữu của nhiều nhà thầu, nhà đầu tư thường chỉ có khoảng 10%, còn lại khoảng 90% vốn đầu tư xây lắp là vốn vay ngân hàng nên có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình, dẫn đến phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh và lợi ích xã hội, trong lúc đang thiếu cơ chế phản biện, giám sát, thẩm định khách quan của bên thứ 3.
Chủ tịch HoREA cũng chỉ ra việc chỉ định thầu còn tạo điều kiện cho nhà thầu, nhà đầu tư được hưởng lợi "kép" 2 lần. Thứ nhất, khi nhận thầu thi công, dự toán công trình do nhà thầu cũng là đơn vị đề xuất. Thứ hai, các khu đất đối ứng ở các địa điểm đắc địa, đã được tăng cường hệ thống hạ tầng giao thông thường cũng do nhà thầu kiêm nhà đầu tư đề xuất được thanh toán bù trừ.
“Việc chỉ định nhà thầu kiêm nhà đầu tư dự án BT, BOT, PPP làm giảm đi tính minh bạch, công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh của môi trường kinh doanh, tác động tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư và có thể gây thiệt hại ngân sách nhà nước vì dự toán công trình nếu không được thẩm định chặt chẽ có thể bị nhà thầu nâng cao hơn giá trị thực, đồng thời nguồn đất đối ứng trả cho nhà thầu cũng là tài sản công, cũng là tiền ngân sách”, ông Lê Hoàng Châu cảnh báo.
Theo ông Châu, cần hạn chế tối đa việc chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư để tạo môi trường minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư, làm lợi cho ngân sách nhà nước, đơn cử như việc tổ chức đấu giá khu đất công tại số 23 Lê Duẩn (quận 1). Giá khởi điểm của khu đất là 558 tỷ đồng, có 13 doanh nghiệp tham gia, sau 16 vòng đấu, mức giá thắng lên đến 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần giá khởi điểm.
Cục trưởng Cục Quản lý cộng sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng cho biết một dự án BT được điều chỉnh bởi 6 luật, gồm: Đầu tư, đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, đấu thầu, đầu tư công nên dẫn đến việc thực hiện dự án chậm trễ.
“Theo các chuyên gia giao thông, dự án BT nếu thực hiện đúng cũng là một phương thức hiệu quả thu hút vốn đầu tư tư nhân vào kết cấu hạ tầng, nhất là khi ngân sách hạn hẹp, quỹ đất của địa phương còn dư. Tuy nhiên, hình thức này cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa”, ông Thắng nhìn nhận.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhìn nhận trên địa bàn thành phố hiện còn nhiều mảnh đất đẹp, nằm ở vị trí đắc địa, được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Đơn cử như vùng lõi Khu đô thị mới Thủ Thiêm có những lô đất rất đẹp, đã được nhà nước bỏ tiền giải phóng mặt bằng. Rất nhiều nhà đầu tư theo đuổi, muốn thực hiện các dự án BT để có được các mảnh đất này. Nếu TPHCM quản lý không khéo thì dễ rơi vào tình trạng tiêu cực.
Người đứng đầu UBND TPHCM khẳng định việc đấu giá các lô đất này là phù hợp với cơ chế TPHCM bỏ tiền giải phóng mặt bằng và thực hiện đấu giá, tạo nguồn thu cho TPHCM đầu tư phát triển. Sự thành công của các dự án BT còn đến từ việc lựa chọn các đối tác tư nhân phù hợp. Chỉ có những doanh nghiệp tư nhân có năng lực và vững mạnh mới đủ khả năng tài trợ vốn, thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng và cung cấp dịch vụ cho đến khi kết thúc thời gian nhượng quyền.
“Quản lý các dự án BT nếu tồn tại tình trạng tham nhũng, quan liêu, điều hành quản lý của một số đơn vị kém hiệu quả, sự cưỡng chế thực thi hợp đồng hiệu lực thấp. Các dự án BT chỉ chú trọng vào các vị trí đất đẹp, ở trung tâm, có khả năng thu về lợi nhuận nhanh, ít rủi ro sẽ khiến mô hình BT không hiệu quả”, ông Phong cho hay.