Cá tính của Thủ tướng đắc cử già nhất thế giới

TPO - Ở tuổi 92, ông Mahathir Mohamad sẽ trở thành thủ tướng đắc cử cao tuổi nhất thế giới, sau khi  giành chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử ngày 9/5 ở Malaysia.
Ông Mahathir Mohamd năm nay đã 92 tuổi. (ảnh: BBC)

Năm 2003, ông Mahathir nghỉ hưu sau 22 năm làm thủ tướng. Nhưng ông quyết định tái xuất chính trường để sửa chữa điều ông gọi là “lỗi lầm lớn nhất trong đời tôi”. Đó là để Thủ tướng đương nhiệm Najib Razak lên nắm quyền.

Không chấp nhận chuyện ông Najib và đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) tiếp tục nắm quyền, ông Mahathir dẫn đầu đảng Liên minh Hy vọng (Pakatan Harapan) vào cuộc chiến.

Trước cuộc bầu cử vừa qua, ông Mahathir nói rằng ông định đảm nhiệm vị trí thủ tướng trong 2năm rồi bàn giao cho cựu thủ tướng đang phải ngồi tù Anwar Ibrahim.

Động cơ chính trị và tinh thần chiến đấu của ông Mahathir dù có lúc bị đánh giá là không thể đánh bại liên minh cầm quyền đối lập nhưng chiến thắng của ông không gây ngạc nhiên cho nhiều người Malaysia.

Ông Mahathir tham gia UMNO ở tuổi 21 và làm nghề y trong 7 năm tại bang Kedah trước khi trở thành nghị sĩ vào năm 1964.

Năm 1969, ông mất ghế và bị đuổi khỏi đảng sau khi biết một bức thư ngỏ để chỉ trích Thủ tướng Malaysia hồi đó là ông Tunku Abdul Rahman.

Ông Mahathir sau đó viết một cuốn sách gây tranh cãi với tựa đề “Thế khó của người Mã Lai”, trong đó nói rằng cộng đồng người Mã Lai đã bị gạt ra rìa xã hội và cũng buộc phải chấp nhận bị coi là công dân hạng hai.

Nội dung cuốn sách đã gây chấn động cho các lãnh đạo trẻ của UMNO nên ông được mời quay lại đảng, được tái cử vào quốc hội năm 1974 và được bổ nhiệm làm bộ trưởng giáo dục. Trong vòng 4 năm, ông đã trở thành phó chủ tịch đảng và đến năm 1981 thì trở thành thủ tướng.

Dưới sự lãnh đạo của ông, Malaysia đã vươn lên thành một trong những con hổ kinh tế của châu Á trong những năm 1990. Những dự án danh tiếng như tháp đôi Petronas thể hiện tham vọng của nhà lãnh đạo này.

Những chính sách vừa thực dụng vừa độc tài giúp ông giành được sự ủng hộ rộng khắp trong nước nhưng cũng bị chỉ trích vì vấn đề nhân quyền.

Nhiều chính trị gia đối lập bị bỏ tù không qua xét xử do Đạo luật an ninh nội địa bị nhiều người chỉ trích.

Tai tiếng nhất là vụ Phó Thủ tướng Anwar Ibrahim bị sa thải với cáo buộc nhận hối lộ và quan hệ tình dục đồng giới qua đường hậu môn rồi sau đó bị kết án tù vì tội danh liên quan đến tội danh tình dục khi ông kêu gọi cải tổ kinh tế và chính trị năm 1998.

Việc thường xuyên bình luận về phương Tây cũng khiến ông Mahathir nổi tiếng ở nước ngoài. Vài ngày trước khi từ chức vào tháng 10/2003, ông đã chọc tức nhiều chính phủ nước ngoài và các nhóm Do Thái khi nói rằng người Do Thái âm mưu “cai trị thế giới”.

Ông nói rằng ông rời khỏi vị trí lãnh đạo “vì tôi đã đạt được quá ít trong nhiệm vụ hàng đầu của mình là đưa chủng tộc của tôi trở thành một chủng tộc thành công, một chủng tộc được tôn trọng”.

Ngay cả trong thời gian nghỉ hưu ông cũng chưa bao giờ quay lưng với chính trường.

Ông công khai chỉ trích người kế nhiệm Abdullah Badawi sau khi đảng cầm quyền giành được kết quả bầu cử mờ nhạt năm 2008, sau đó rời khỏi đảng như một cách mà nhiều người cho là để gây sức ép buộc ông Abdullah phải ra đi. Những diễn biến này mở đường cho ông Najib lên nắm quyền.

Tuy nhiên, ủng hộ của ông Mahathir đối với ông Najib thay đổi sau khi nổi lên những cáo buộc đương kim thủ tướng dính dáng đến vụ bên bối quỹ đầu tư nhà nước 1MDB.

Ông Mahathir huy động sự ủng hộ trong đảng UMNO để gây sức ép từ trong nội bộ đảng và chính phủ lên ông Najib.

Nhưng khi không đi đến đâu, ông và nhiều người ủng hộ mạnh mẽ khác đã rời bỏ UMNO và nhảy sang phe đối lập vào năm 2016. Tháng 1 năm nay, ông thông báo ý định tranh cử, khi đã ở tuổi 92.

Ngày 9/5, ông giành được chiến thắng lịch sử, đánh bại các cựu đồng minh sau hơn 60 năm lực lượng này nắm quyền.

Trước sự kinh ngạc của nhiều người, ông thừa nhận ông đã làm sai nhiều thứ và xin lỗi về những điều đó, không chỉ vì chuyện sa thải ông Anwar Ibrahim.

Đương kim Thủ tướng Najib chỉ trích ông Mahathir thay lòng với đảng của mình, gọi ông là “diễn viên số một” của Malaysia trong vụ việc của ông Anwar. “Tôi phải lắc đầu không tin nổi khi nhìn thấy những trò hề của ông ấy”, ông Najib nói.

Trong cuốn sách viết về thời kỳ lãnh đạo của mình, ông Abdullah từng nói: “Mahathir đã chọn được cách của mình. Và ông ấy tin đó là con đường duy nhất”.