Vướng mắc nào?
Chúng tôi có mặt tại công trường xây dựng ĐHQG HN tại Hòa Lạc trong ngày nắng đầu hè oi ả. Cả một vùng đồi đất hàng trăm ha vẫn phủ kín màu cỏ dại, hoang vắng. Hàng loạt hạng mục hạ tầng vẫn còn dang dở. Sau cả chục năm triển khai đến nay mới đưa trung tâm giáo dục quốc phòng, khu ký túc xá số 4, nhà khách và vài đoạn đường ngắn được đưa vào hoạt động còn lại hàng chục hạng mục quan trọng vẫn chưa biết đến khi nào mới có thể về đích.
Đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, dự án gặp nhiều vướng mắc từ trước khi được Chính phủ giao về cho Bộ Xây dựng. Sau khi nhận bàn giao từ chủ đầu tư cũ của dự án là ĐHQG HN, Bộ Xây dựng đã mất rất nhiều thời gian để rà soát lại hồ sơ, tài liệu, hoàn tất các thủ tục pháp lý, xốc lại tổ chức của Ban quản lý dự án. Đơn giá đền bù đất có sự khác nhau khi Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính. Dự án cũng phải nằm chờ nhiều năm do các thủ tục trong điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng. Quy mô đào tạo của ĐHQG HN đã thay đổi từ 13 dự án thành phần tăng lên 21 dự án; số lượng sinh viên tăng từ 41 nghìn lên 60 nghìn dẫn đến dự án cũng phải điều chỉnh cho phù hợp.
Thực tế, việc triển khai chậm và đầu tư dang dở nhiều hạng mục hạ tầng tại đây đã dẫn đến lãng phí không nhỏ. Hạ tầng không được kết nối, nhiều tuyến đường làm xong rồi để đó. Nhà khách quy mô hoành tráng có vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng việc khai thác sử dụng còn nhiều hạn chế. Điều quan trọng nữa là mục tiêu giảm tải cho các trường thuộc ĐHQG HN chưa biết khi nào thành hiện thực. Đại diện lãnh đạo ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội cho hay, trường này trong nội thành từ lâu đã quá tải nghiêm trọng, nhiều hạng mục chức năng phục vụ học tập và thể dục thể thao cho cán bộ và sinh viên đều thiếu. Chủ trương xây dựng trường này tại Hòa Lạc được phê duyệt từ 20 năm trước, đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy.
Thu hút vốn xã hội hóa: khó khả thi
Mặc dù là dự án đầu tư cho giáo dục có vốn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng sự quan tâm giải quyết những vướng mắc tại đây còn rất chậm trễ. Bộ Xây dựng thừa nhận, khó khăn lớn nhất hiện nay là huy động nguồn kinh phí đầu tư tiếp cho dự án, lượng vốn được nhà nước giao hàng năm quá thấp so với yêu cầu, không đáp ứng theo chỉ đạo về tiến độ của Chính phủ. Kế hoạch vốn cấp cho dự án năm 2016 là 340 tỷ đồng và cho cả giai đoạn từ 2016-2020 là hơn 1.129 tỷ đồng. “Hiện nay vốn được giao hàng năm khoảng trên 300 tỷ đồng nhưng thực tế cần cả nghìn tỷ đồng mỗi năm mới có thể thúc đẩy đồng bộ các hạng mục theo yêu cầu”, một cán bộ có trách nhiệm của Ban quản lý dự án cho hay.
Để khắc phục khó khăn về vốn ngân sách, Bộ Xây dựng cho rằng đang thúc đẩy việc kêu gọi xã hội hóa và thu hút các nguồn vốn khác. Tuy nhiên, việc này gặp mâu thuẫn rất lớn do hạ tầng dự án không đồng bộ, đầu tư chậm dẫn đến khó hấp dẫn các nhà đầu tư. Những hạng mục hy vọng có thể xã hội hóa được như nhà ăn, căng tin, sân thể thao… thực chất chỉ là những công trình nhỏ. Khi nào thì hàng vạn sinh viên được thực sự học tập trong môi trường sư phạm tốt, khi nào kế hoạch di dời các trường đại học để giảm tải cho nội đô thành hiện thực? Câu hỏi sẽ khó có câu trả lời nếu vẫn triển khai theo kiểu như dự án xây dựng ĐHQG HN tại Hòa Lạc.
Dự án xây dựng ĐHQG HN tại Hòa Lạc có tổng diện tích 1221,73 ha, sau hàng chục năm triển khai vẫn còn gần 30% diện tích chưa giải phóng mặt bằng. Đa phần các hạng mục công trình lớn đều chưa được triển khai…