Cả ngàn tấn mực ế ẩm, ngư dân khóc ròng

TP - Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi các bộ ngành Trung ương xin hướng dẫn cụ thể về đánh giá, công nhận chất lượng và có giải pháp can thiệp sản phẩm mực khô của ngư dân đánh bắt nhưng không thể tiêu thụ. Hiện, gần 1.000 tấn mực đánh bắt ế ẩm, không thể xuất khẩu qua Trung Quốc khiến ngư  huyện dân Núi Thành khóc ròng. 
Mực khô ế ẩm, ngư dân khốn khó

Ngư dân lâm cảnh khó

Huyện Núi Thành có 61 tàu khai thác mực xà, gồm 37 tàu làm nghề câu mực và 24 tàu làm nghề mành chụp mực hoạt động ở vùng biển khơi,  giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động. Tại cảng An Hòa (Núi Thành), hơn 30 tàu chứa hàng trăm tấn mực khô, không tiêu thụ được khiến ngư dân nóng ruột, đứng ngồi không yên.

Tàu QNa 90073 của ông Phan Bá Linh (xã Tam Giang, huyện Núi Thành) còn hơn 23 tấn mực khô ê ẩm cả gần tháng nay. Ông Linh cho biết, chuyến biển trước ông đánh bắt được 27 tấn mực khô, bán với giá 130.000 đồng thu về hơn 3,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, chuyến biển vừa qua, 23 tấn mực mời gọi tiểu thương, hạ giá thấp nhưng không ai thu mua. Vì không thể bán được hàng nên tàu của ông Linh và nhiều tàu khác phải nằm bờ. Theo ông Linh, các tiểu thương không thu mua với lý do mực khô không xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Lương Tới (xã Tam Giang, Núi Thành) chủ tàu QNa 90668 cũng khóc ròng với hơn 50 tấn mực ế ấm. Tàu không thể ra khơi và phải nằm bờ cả nửa tháng. Vì không bán được mực nên, không có tiền trả chi phí cho lao động trên tàu và trả phí tổn cho chuyến biển còn nợ trước đó. “Nếu không bán được mực, ngư dân chúng tôi sẽ gặp khó khăn, nhiều người sẽ phải bỏ biển”, ông Tới cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện Núi Thành, cho biết: Trung bình mỗi chuyến biển, mỗi tàu câu mực đánh bắt được khoảng 20 - 30 tấn mực khô, mỗi tàu mành chụp mực khoảng 2,5 đến 3,5 tấn mực khô. Tuy nhiên, hiện nay việc tiêu thụ sản phẩm mực khô của các tiểu thương và các tư thương xuất khẩu đến thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Do chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch với yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc từ phía Trung Quốc nên mực xà không xuất bán được.

Ông Thịnh cho hay: Trên địa bàn hiện nay có khoảng 800 tấn mực khô tồn đọng trên các tàu và khoảng 130 tấn mực khô của 3 kho tư thương trên địa bàn huyện Núi Thành tồn kho chưa tiêu thụ được. “Nếu tình trạng này tiếp diễn, thì chắc chắn đội tàu khai thác mực xà không thể ra khơi đánh bắt được, đời sống hàng ngàn hộ gia đình ngư dân sẽ gặp khó khăn”, ông Thịnh cho biết.

Theo tìm hiểu, trước đây giá bán mực khô dao động từ 120.000 đồng đến 160.000/kg. Tuy nhiên, hiện nay dù hạ thấp giá bán nhiều lần nhưng thương lái vẫn không thu mua.

Cần có giải pháp can thiệp giúp ngư dân

Trước thực trạng này, UBND huyện Núi Thành để xuất lãnh đạo tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng có nội dung định hướng, tuyên truyền để cán bộ và ngư dân yên tâm. UBND tỉnh, các bộ ngành Trung ương cũng cần có hướng dẫn cụ thể về đánh giá, công nhận chất lượng và có giải pháp can thiệp sản phẩm mực khô được xuất khẩu ổn định.

Trước việc ngư dân không theo kịp các yêu cầu của việc xuất khẩu mực theo đường chính ngạch, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cụ thể cho ngư dân trong giai đoạn thay đổi cơ chế, tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm mực không xuất khẩu hiện nay. Đồng thời, cần đơn giản hóa thủ tục để ngư dân dễ tiếp cận chính sách ưu đãi của nhà nước theo Nghị định 67 của Chính phủ trong việc được hưởng kinh phí bảo dưỡng tàu định kỳ. Hiện nay thủ tục quá khó khăn, các chủ dự án 67 không thực hiện được .

Một lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Phía Trung Quốc yêu cầu xuất theo đường chính ngạch, để xuất khẩu được hàng hóa phải có các doanh nghiệp thu mua ở bên Trung Quốc kết nối với các doanh nghiệp phía Việt Nam. Cách làm này mới thực hiện nên đang bị động khiến Quảng Nam chưa tìm ra đầu mối để liên kết với doanh nghiệp Trung Quốc thu mua xuất khẩu theo đường chính ngạch. Hiện, cơ quan chức năng của tỉnh đang tích cực liên hệ với một số doanh nghiệp thủy đề nghị họ tham gia việc thu mua và xuất khẩu đường chính ngạch, để nhanh chóng tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân. Đồng thời, cơ quan chức năng tỉnh đã có văn gửi các bộ ngành đề nghị có các giải pháp giúp đỡ ngư dân.