“Thể thao là ngành đặc thù, đâu có phải hoạt động sản xuất kinh doanh nên làm gì có nguồn thu để có thưởng. Ngân sách nhà nước theo quy định chỉ để trả tiền công, tiền tiêu vặt và thưởng theo thành tích…Chúng tôi vẫn biết điều này thiệt thòi cho VĐV nhưng đây là quy định. Chỉ một số đơn vị nếu nhận được nguồn tài trợ xã hội thì có thể thêm quà Tết cho VĐV”-một lãnh đạo Cục Thể dục Thể thao (TDTT) chia sẻ với PV Tiền Phong khi đề cập tới thưởng Tết cho VĐV.
Thưởng Tết cho VĐV là câu hỏi có lẽ đã chục năm qua không lời giải, bởi quay đi quay lại, ngành thể thao cũng không thể “xé rào”. Nói chuyện với Tiền Phong, một VĐV đội tuyển đấu kiếm quốc gia cho biết, cả Trung tâm HLTTQG Hà Nội (Nhổn) và đơn vị của anh đều không có thưởng.
“Báo chí hỏi nhiều nhưng chúng em cũng không biết trả lời thế nào vì đây là quy định của nhà nước. Có năm HLV cũng có món quà động viên nhưng chỉ đơn thuần gói bánh hoặc chai rượu, còn lại không có gì. Nhiều khi nghĩ cũng tủi thân nhưng cũng không thể đòi hỏi vì đây là quy định”-VĐV này chia sẻ.
Trong số các môn thể thao, VĐV bóng đá có lẽ là những người hạnh phúc nhất. Thu nhập cao, đặc biệt với những đội bóng lớn và thưởng Tết cũng khá. Mức thưởng không cố định, tuỳ điều kiện tài chính từng đội nhưng thường dao động trên dưới 10 triệu đồng. Những đội bóng mạnh, dư dả tiền nong đôi khi thưởng cả tháng lương. Tuy nhiên năm nay, tình hình kinh tế khó khăn tác động rõ tới các đội bóng ở V-League. Hầu hết các VĐV cho biết, hiện chưa thấy lãnh đạo thông tin gì về tiền Tết. “Mọi năm đội vẫn có tiền thưởng Tết cho VĐV, đầu xuân năm mới cũng thêm chút quà lì xì. Tuy nhiên năm nay CLB chưa có thông báo, có lẽ phải gần Tết mới biết được bao nhiêu”-thủ quân một đội bóng V-League nói.
Trông cả vào thành tích
Thưởng Tết không có, khoản tiền VĐV trông đợi nhất là thưởng theo thành tích thi đấu trong quy định của nhà nước. Năm nào ít giải thì tiền thưởng cũng ít, thậm chí không có. Theo Nghị định 152 của Chính phủ quy định một số chế độ cho HLV, VĐV đỉnh cao, VĐV giành HCV Asiad thì mức thưởng lần lượt là 140 triệu đồng, 85 triệu đồng và 55 triệu đồng cho HCV, HCB và HCĐ. Các VĐV đạt thành tích tại Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 32) cũng được nhận thưởng theo quy định.
Năm qua với thành tích đoạt 1 HCV, 1 HCĐ tại Asiad 19 (Hàng Châu), xạ thủ Phạm Quang Huy nhận được khoản tiền thưởng khá lớn từ nhà nước, tiền thưởng nóng của đoàn TTVN và cả UBND thành phố Hải Phòng. Một VĐV khác thu nhập tốt là Nguyễn Thị Oanh (điền kinh) khi đoạt tới 4 HCV tại SEA Games 32.
Mặc dù vậy, số VĐV như Phạm Quang Huy hay Nguyễn Thị Oanh không nhiều. Hầu hết các VĐV khác đều có nguồn thu khá eo hẹp, nếu không có nguồn động viên từ doanh nghiệp thì Tết gần như không có gì. Dù là VĐV có thu nhập lớn nhưng Nguyễn Thị Oanh năm qua vẫn tham gia khá nhiều giải chạy, vừa để duy trì phong độ nhưng đồng thời cũng có thêm nguồn thu.
Trao đổi với Tiền Phong, một HLV của Hà Nội cho biết trước đây một số đội tuyển vẫn có quỹ nho nhỏ, HLV cuối năm cũng mua quà cho VĐV, hoặc chi dùng cho các hoạt động đội. Nhưng mới đây việc này cũng siết lại nên nhiều khả năng VĐV sẽ không có quà Tết. “Thôi thì thể thao như vậy, đã xác định theo nghề là chấp nhận. Chỉ mong khi điều kiện tốt hơn hoặc lãnh đạo có giải pháp, thu nhập của VĐV, tiền thưởng cũng tăng lên để VĐV yên tâm tập luyện, cống hiến”-vị này cho biết.