Buộc gươm đao lên xe đi dạy võ

TP - Vào tuổi ngoài 70, hàng ngày võ sư Bùi Tá Ngọc vẫn buộc giáo dài, đao, kiếm sau xe để đến các trường tại TP Quảng Ngãi dạy võ cổ truyền, giúp học sinh rèn luyện sức khỏe.
Võ sư Bùi Tá Ngọc biểu diễn võ thuật tại lăng Bùi Tá Hán, một võ tướng lừng danh của Quảng Ngãi thời xưa. Ảnh: Văn Chương

Dạy võ dưới tán rừng

Đầu năm 2021, thăm lại võ sư Võ Tá Ngọc, nhìn lại những vật dụng bài trí trong căn nhà, tôi chợt nhận ra rằng, dường như ông vẫn “muôn năm cũ”, vẫn sống theo cách của thời 50 năm về trước, với những bức tường treo đầy hình ảnh mang màu dĩ vãng...

Năm 1975, với chàng võ sĩ 25 tuổi Bùi Tá Ngọc, bối cảnh thi đấu võ đài sau giải phóng đã thay đổi – không còn cảnh đặt quan tài dưới sàn đấu rồi 2 võ sĩ lao vào tỷ thí, còn khán giả tung giày dép lên trời cổ vũ cuồng nhiệt.

“Hồi đó đấu võ cũng không chết ai, nhưng mà người ta luôn tạo không khí máu lửa, cứ thi đấu là nói đánh chết thì thôi, có quan tài để sẵn, làm như vậy thì người xem mới đông, mới càng cuồng nhiệt”, võ sư Ngọc nhớ lại.

Những năm sau giải phóng, phong trào võ thuật lắng xuống, võ thuật không còn là một nghề kiếm cơm. Các võ sĩ cứ sau mỗi trận đấu chỉ dư ít tiền mang về nhà. Nghề võ chỉ còn được kể trong nhiều bàn trà, quán rượu.

Vậy nhưng ông Ngọc vẫn tiếp tục nuôi mộng võ. Vì ở quê của ông, nhiều người vẫn còn kể lại những trận đấu võ đẹp mắt của võ sĩ Quảng Ngãi với giới võ sĩ từ Sài Gòn ra, từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế vào. Cha ông Ngọc (võ sĩ Bùi Tá Đợi) thời đó là võ sĩ nổi danh. Ông Đợi được làng võ khen ngợi là có cú đá thần sầu, khiến nhiều võ sĩ bị hạ nốc ao dưới đòn đá “phạt” như cánh trực thăng.

Võ sư Bùi Tá Ngọc thời trẻ Ảnh: Văn Chương
 

Năm 1975, ông Ngọc đang loay hoay với câu chuyện “nên tiếp tục dạy võ để nối nghiệp cha và kiếm sống ra sao?” thì gia đình nhận được giấy mời của Ủy ban hành chính Quảng Ngãi. Ông được mời nhận nhiệm vụ mới – lái xe cho ông Tráng, Bí thư huyện ủy của một địa phương nằm giáp vùng biên của tỉnh Kon Tum.

Bùi Tá Ngọc có 4 điểm sáng nhất trong lý lịch – biết lái xe, có sức khỏe, lai lịch tốt và giỏi võ nghệ. Kon Tum vào thời đó là vùng đất rừng thiêng nước độc, nhiều thú dữ, đường đi khó khăn, nhiều nguy hiểm bất trắc trên đường. Sống ở vùng này, việc tuyển được một võ sĩ lái xe U-oát 2 cầu cho Bí thư huyện ủy có nghĩa là chọn đúng người.

Sau một thời gian lái xe, biết mùi ngủ rừng, đi qua những cung đường khổ ải, sống ở vùng đất mà cứ 9 giờ sáng mới thấy ánh sáng mặt trời xuyên qua tán rừng, Bùi Tá Ngọc xin về Nông trường Sông Ba và sếp của đơn vị này cũng là lính rời mặt trận, hàng ngày vẫn cưỡi xe U-oát 2 cầu. Nông trường bạt ngàn màu xanh của những rẫy mì, lúc thiếu rau xanh thì hái ngọn cây mì về luộc ăn đỡ đói.

Những bài tập thể dục buổi chiều của ông Ngọc đã được cánh lái xe Zil, xe Reo để mắt và họ đồng loạt tôn ông Ngọc là thầy võ, cùng với lời đề nghị “dạy cho anh em vài miếng võ phòng thân”.

Vậy là một võ đường không tên tuổi được lập ra dưới tán cây rừng và cánh lái xe đều hăng say tập luyện. Ông Ngọc đi quyền và phô diễn thân thể cường tráng, cơ bắp cuồn cuồn đang bóng nhẫy mồ hôi, lúc cao giọng đọc bài thiệu: “Vọng bái thần đồng/Miêu ông trừ thế/Xổ bộ truy phong/Phụ tử trương song…”. Cảm giác khoan khoái đó, ông nhớ mãi.

Nối nghiệp cha buộc binh đao lên xe đi dạy võ

Trước mắt tôi là võ sĩ Bùi Tá Ngọc của năm 2021. Mùa xuân năm nay ông Ngọc đã bước sang tuổi 71, nhưng dòng ký ức và những gì hiện hữu trong ngôi nhà của ông đều là võ thuật. Kia trên chiếc cửa sổ hoen rỉ là một chùm bao găng thi đấu treo lủng lẳng, đây trong chiếc tủ còn lưu lại rất nhiều hình ảnh về võ thuật. Trong góc nhà gác bộ binh khí, đầy đủ đao, kiếm, côn,... Xung quanh tường nhà dán kín ảnh và huy chương võ thuật các loại…

Nhà ông Ngọc nằm cạnh tuyến đường tàu lửa ở góc thành phố Quảng Ngãi. Ông Ngọc kể lại câu chuyện võ thuật một thời bằng những trang tài liệu cũ. Như xấp giấy ngả màu thời gian đề ngày 10/12/1993, ghi lại tên tuổi các võ sinh của ông đang luyện tập, trong đó có những võ sinh nổi tiếng của tỉnh như Trần Văn Thận, sinh năm 1976, quê ở huyện Tư Nghĩa, đạt huy chương đồng của tỉnh Quảng Ngãi; Nguyễn Bửu Độ, sinh năm 1970, quê ở huyện Nghĩa Hành, đạt huy chương vàng của tỉnh, huy chương bạc liên tỉnh năm 1993…

Đã bao năm rồi, hàng ngày, cứ vào lúc 5 giờ chiều, ông Ngọc lại bắt đầu lên đường đi dạy võ. Chiếc xe gắn máy của ông dắt thanh kiếm, đao, côn. Nơi ông đến dạy là các trường học trong tỉnh. Riêng tại trường Nguyễn Nghiêm (TP Quảng Ngãi), ông đã có thâm niên hơn 13 năm dạy cho học sinh cấp 1 và cấp 2 ở đây. Đó chính là cách ông Ngọc ươm hạt giống cho võ thuật của tỉnh nhà. Trước đó, năm 2009, Bùi Tá Ngọc từng dẫn các võ sinh của trường ra dự lễ Festival và Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Đối với ông Ngọc, việc dạy võ cho học trò cũng là một cách kế tục truyền thống của thân phụ ông trước đây. Khi còn sống, võ sư Bùi Tá Đợi thường đi khắp nơi trong tỉnh để dạy võ cho mọi người. Người ta thường thấy ông võ sư này ngồi trên chiếc xe máy SCA chạy lạch bạch phun khói trắng, đến dạy tại các trung tâm võ thuật của huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh… Có nơi ông đến dạy vài tuần, có nơi một vài ngày.

Võ trong huyết quản

Thỉnh thoảng vào dịp cuối năm, ông Ngọc lại điện mời tôi tới nhà để đàm đạo về võ thuật trong không khí ngày xuân. Tôi nhận thấy ông thường muốn chuyện trò về võ nghệ vào dịp đó, bởi ông vốn nặng lòng với những hồi ức xưa cũ. Nhiều chục năm trước, cứ đến ngày cuối năm khắp vùng quê ở Quảng Ngãi dựng võ đài, tiếng loa lanh lảnh thông báo về trận thư hùng giữa “võ sĩ cọp xám” với “võ sĩ gấu rừng”. Dân võ thuật hay sử dụng những từ ngữ hổ, báo như vậy thì mới thu hút được người xem.

Hiện nay, các võ sĩ MMA thi đấu và được các ông bầu lăng xê, đốt nóng không khí bằng sàn đấu như chiếc lồng sắt. Còn thời trước, những trận võ ở Quảng Ngãi được hâm nóng bằng ngôn từ. Thậm chí có những võ sĩ không mấy tên tuổi, nhưng cũng được các ông bầu thổi lên như một “rô-bốt sát thủ” để người xem có thêm câu chuyện bàn thảo trước khi đến xem đấu võ đài. Vậy nên mới có chuyện, một số võ sĩ lên đài thi đấu, nhưng người nhà tới xem phải tu nửa xị rượu cho...đỡ run, tay thủ sẵn chiếc khăn trắng để nếu có chuyện gì thì tung khăn xin dừng trận đấu!

Võ sư Bùi Tá Ngọc trong ngôi nhà đầy hình ảnh võ thuật. Ảnh: Văn Chương

Có lần ra Huế công tác vào dịp cuối năm, tôi nghe một võ sư nhắc đến tên Bùi Tá Đợi, thân phụ võ sư Bùi Tá Ngọc và ca ngợi đó là một võ sĩ tự do có lối đánh đẹp, có cú đá từng hạ những võ sĩ đến từ đất cố đô. Sau này tôi hỏi lại, võ sư Bùi Tá Ngọc cũng kể rằng, cha mình đã luyện cú đá thần sầu ấy bằng cách đá vào cây, bỏ cát nặng vào ống quần rồi nhảy lên nhảy xuống bậc tam cấp, hoặc hố cát ở bãi bồi dưới dòng sông Trà...

Võ sư Bùi Tá Ngọc còn lưu giữ nhiều bài võ cổ truyền, các bài binh khí và ông đã có công truyền dạy võ cổ truyền cho hàng ngàn môn sinh ở Quảng Ngãi. Trong ngôi nhà ông còn lưu giữ rất nhiều huy chương của ông và học trò.