Bùng nổ nuôi tôm công nghiệp: Áp lực lớn về cung cấp điện

TP - Tình trạng bùng nổ phát triển nuôi tôm công nghiệp, nhất là phát triển tự phát không theo quy hoạch tại một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong thời gian qua đã gây không ít khó khăn cho việc cung cấp điện của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC).
Kéo điện đến các ao nuôi tôm công nghiệp của người dân tại Trà Vinh

Áp lực cấp điện gia tăng theo sự bùng nổ


Các tỉnh có mức độ bùng nổ nuôi tôm công nghiệp nhất trong thời gian qua là Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, và diện tích nuôi tôm của các tỉnh kể trên tăng nhanh chóng từ 2011 đến nay. Theo thống kê của UBND tỉnh Trà Vinh, tính đến tháng 4/2014, diện tích thả nuôi tôm trên địa bàn tỉnh này này là 16.861 ha (đạt mức độ tăng trưởng bình quân 65,7%/năm) trong đó chủ yếu là tự phát. Riêng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 3.617 ha, bằng 411% so với quy hoạch.

 
Công ty Điện lực Trà Vinh cho biết, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm hàng năm dành cho mục đích nuôi tôm tại Trà Vinh tăng mạnh theo tốc độ phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp. Cụ thể: 14,5 triệu kWh của năm 2011, tăng lên 24,2 triệu kWh trong năm 2012 và tiếp tục tăng lên 34,2 triệu kWh vào năm 2013. 

Trong khi đó, theo EVN SPC, quy hoạch phát triển điện lực tại Trà Vinh 2011-2015 có tính đến 2020 được cấp có thẩm quyền phê duyệt không có các phụ tải nuôi tôm công nghiệp, do đó viêc cấp điện ở địa phương thời gian qua gặp nhiều trở ngại. Không riêng Trà Vinh, đây cũng là tình trạng chung tại các tỉnh có sự bùng nổ mạnh về nuôi tôm công nghiệp tự phát. 

Các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ hầu hết nằm ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, lưới điện đầu tư trong khu vực này chỉ nhằm phục vụ ánh sáng sinh hoạt. 

Do không có quy hoạch lưới điện từ trước để phục vụ nuôi tôm nên hầu hết hộ dân sử dụng điện sinh hoạt kết hợp nuôi trồng thuỷ sản, gây quá tải cục bộ tại các trạm biến áp phân phối và lưới điện hạ thế. Với các dự án nuôi tôm lớn, chủ dự án đầu tư trạm biến áp chuyên dùng để cấp điện. Tuy nhiên, do hiện nay các chủ dự án chuyển sang nuôi tôm chân trắng nên việc sử dụng điện chạy quạt nước tăng gấp đôi, nên các trạm biến áp này cũng quá tải.

Chủ động cấp điện

Ông Nguyễn Thành Duy - Tổng giám đốc EVN SPC cho biết, để đảm bảo cấp điện phục vụ sản xuất của người dân, những năm qua Tổng công ty đã chủ động huy động vốn từ nhiều nguồn để đầu tư phát triển lưới điện tại các vùng nuôi tôm công nghiệp. 

Tại Cà Mau, từ năm 2011 đến nay, EVN SPC đầu tư nâng cấp và phát triển lưới điện để để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện và nuôi tôm công nghiệp bằng nguồn vốn ứng của tỉnh với giá trị 147,8 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2011-2012 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng khối lượng công trình trị giá gần 75 tỷ đồng. Trong năm 2014, EVN SPC tiếp tục ứng vốn khoảng 70 tỷ đồng còn lại để phục vụ nuôi tôm công nghiệp ở địa phương.

Tại Trà Vinh, EVN SPC cũng đang triển khai kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện trên các vùng nuôi tôm các năm 2014, 2015 với tổng mức đầu tư gần 39 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2014 đầu tư các công trình điện với tổng mức đầu tư 14,5 tỷ đồng và dự kiến năm 2015 cải tạo nâng cấp lưới điện khu vực nuôi tôm công nghiệp với tổng mức đầu tư 24,3 tỷ đồng. 

Đồng thời, để đảm bảo cấp điện cho Trà Vinh, EVN SPC đang đầu tư các công trình điện 110 kV với tổng mức đầu tư 254 tỷ đồng. “Về lâu dài, để đảm bảo cấp điện cho nuôi tôm, EVN SPC đầu tư lưới điện lồng ghép với các dự án cấp điện cho các thôn bản chưa có điện hoặc đề án phát triển lưới điện cho các trạm bơm quy mô vừa và nhỏ tại các tỉnh khu vực ĐBSCL”- ông Nguyễn Thành Duy nói.  

Ông Nguyễn Hữu Phương - Trưởng Ban Kế hoạch (EVN SPC) cho biết, nhu cầu vốn đầu tư phát triển lưới điện đáp ứng nhu cầu nuôi tôm công nghiệp tại các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu hiện nay rất lớn. Tổng mức đầu tư dự kiến cho các dự án cấp điện phục vụ nuôi tôm tại các tỉnh này ước trên 573 tỷ đồng. 

EVN SPC đang đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho phép sử dụng nguồn vốn thuộc Chương trình “Hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện giai đoạn 3” vay vốn WB để thực hiện đầu tư cải tạo nâng cấp và phát triển lưới điện trung, hạ thế phục vụ nuôi tôm công nghiệp tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng.