Các tập đoàn nước ngoài, đa số thuộc lĩnh vực thực phẩm đang ồ ạt vào Việt Nam đầu tư, mở rộng kinh doanh qua nhượng quyền thương hiệu (franchising). Sự kiện Burger King, tập đoàn thức ăn nhanh (fastfood) của Mỹ, vừa khai trương cửa hàng đầu tiên trên đường Phạm Hồng Thái, quận 1 (TP HCM) đã làm nóng cuộc cạnh tranh trên thị trường thực phẩm, phân khúc thức ăn nhanh.
Đối tác của Burger King là Công ty TNHH Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Cánh Diều Xanh (BKV) - thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP). Ông Elias Diaz Sede, Chủ tịch Burger King khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết đến cuối năm, họ sẽ mở 12 cửa hàng tại ba thành phố lớn là TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.
Trước khi Burger King chính thức có mặt tại Việt Nam, tháng 8 năm nay, lãnh đạo Tập đoàn McDonald’s (Mỹ) đã tiếp xúc với Bộ Kế hoạch - Đầu tư và một số đối tác nhượng quyền tiềm năng nhằm xúc tiến việc mở cửa hàng tại TP HCM. Dự kiến, tập đoàn này chính thức có mặt ở Việt Nam trong hai năm tới thông qua hình thức nhượng quyền 100% vốn và sẽ mở 100 nhà hàng tại các thành phố lớn.
Starbucks Coffee (Mỹ) cũng xác nhận sẽ có mặt tại Việt Nam trong năm 2013. Tập đoàn The Johnny Rockets cũng đã bắt tay với Hãng Tư vấn quản lý và Kinh doanh bất động sản CBRE, không giấu ý định sẽ nhượng quyền thương hiệu chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh ở nước ta trong vài năm tới.
Trước đó, trong năm 2011, một loạt doanh nghiệp lớn của Mỹ trong ngành ẩm thực, nhà hàng như Pollo Tropical, Dennys, Applebees, The Melting Pot, Great American Cookies… cũng đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội làm ăn.
Tính từ thời điểm chuỗi nhà hàng gà rán KFC (thuộc Yum! Brands) vào Việt Nam, thương hiệu này cùng Lotteria (Hàn Quốc), Jollibee (Philippines) đã nắm giữ thị phần đáng kể của thị trường thức ăn nhanh. Đó là chưa kể đến sự hiện diện của các thương hiệu khác như Phở 24, Pizza Hut, Pizza Inn, Domino Pizza, Carl’s Jr, Subway…
Theo các chuyên gia, Việt Nam có dân số tương đối trẻ, thu nhập của nhóm trung lưu ngày càng tăng và thích làm quen với sản phẩm mới. So với các nước khác trong khu vực, thị trường Việt Nam còn khá mới và tiềm năng. Với sự tham gia của các thương hiệu lớn, trong tương lai, thị phần sẽ sớm được chia lại.
Tình hình bùng nổ nhượng quyền cũng diễn ra tương tự ở các lĩnh vực khác như giáo dục, thời trang, y tế… Đại diện một chuyên tư vấn nhượng quyền cho các doanh nghiệp Singapore vào Việt Nam cho biết so với Singapore và một số nước trong khu vực, nhượng quyền tại Việt Nam chưa xứng với tiềm năng. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp nước ngoài thì quan tâm và đến tìm cơ hội làm ăn tại Việt Nam thông qua hình thức nhượng quyền ngày càng nhiều.
Theo các chuyên gia thương mại, hình thức này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tránh rủi ro và gánh nặng về quản lý khi mở rộng thương hiệu. Thay vì phải thuê người, các đối tác nhận nhượng quyền sẽ là những người quản lý tốt bởi quyền lợi của họ gắn liền với hiệu quả hoạt động của cửa hàng. Thêm nữa, đầu tư trực tiếp vào Việt Nam sẽ mất thời gian và kinh phí cho việc tìm hiểu, xây dựng hệ thống phân phối. Trong khi đó, nhượng quyền sẽ giúp hạn chế được chi phí này và những rủi ro khác liên quan đến pháp lý.
Hầu hết doanh nghiệp cho biết lo ngại lớn nhất không phải áp lực cạnh tranh từ các "đại gia" hay đối thủ trực tiếp trong lĩnh vực, mà chính là mặt bằng. Yếu tố lớn làm nên thành công của chuỗi nhượng quyền (nhất là trong lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm) là vị trí mặt bằng mở cửa hàng (hai mặt tiền, thuận lợi về giao thông…). Trong khi đó, giá thuê tại Việt Nam hiện thuộc hàng cao nhất thế giới, tăng đều 20% - 30%/năm và chiếm đến 25% - 30% tổng doanh thu các chuỗi cửa hàng nhượng quyền, nên rất khó có lời.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế độc lập, phân tích: "Nhượng quyền thương hiệu là xu thế chung, đang đà phát triển mạnh. Có thể đến năm 2014, rất nhiều điều khoản cam kết về WTO được dỡ bỏ, ngành bán lẻ buộc phải mở cửa thị trường và các nhà đầu tư hoàn toàn tự do thâm nhập thị trường Việt Nam; kinh tế Việt Nam phục hồi, thu nhập của giới trẻ tăng lên và mức tiêu xài gia tăng…, từ đó nhượng quyền sẽ phát triển chóng mặt".
Theo Người lao động